Sáng 22/2, Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019 do Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho rằng, mặc dù bối cảnh thế giới có nhiều biến động, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2018 đã ghi nhận nhiều bước tiến, phát triển và thành công trong nhiều mặt hoạt động của thị trường.
Đến 31/1/2019, thị trường chứng khoán Việt Nam có 755 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn giao dịch chứng khoán và 804 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCom với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt hơn 1.235 nghìn tỷ đồng. Quy mô vốn hóa của thị trường năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017, tương đương 71,6% GDP của năm 2018, vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra đến năm 2020.
Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu từ 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017 lên 6.500 tỷ đồng/phiên năm 2018. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư đạt 2,17 triệu tài khoản, tăng 12,8% so với cuối năm 2017.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết năm 2018 có sự cải thiện đáng kể. Số công ty báo cáo lãi năm 2018 chiếm 94% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, khi thị trường chứng khoán thế giới biến động mạnh theo xu hướng giảm thì thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ giảm 5 điểm với vốn hóa thị trường tăng, số nhà đầu tư nước ngoài tăng 24,4%... là rất tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đối với thị trường.
Chủ tịch Quỹ Đầu tư Dragon Capital, ông Dominic Striven cũng cho rằng chúng ta cần tự hào với những bước phát triển của thị trường vốn Việt Nam thời gian qua và Việt Nam đang có sức hút đáng kể đối với dòng vốn ngoại.
Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Vietjet Trần Hoài Nam đưa ra đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành một trong những kênh huy động vốn hiệu quả, việc tham gia thị trường chứng khoán đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp, thanh khoản và minh bạch thông tin đối với cổ đông. Theo ông Nam, cổ phiếu VJC của Vietjet đã thu hút được dòng vốn ngoại, được đưa vào danh mục VN30, chính là kết quả của việc thông tin minh bạch, tuân thủ các quy định về công bố thông tin, kết quả kinh doanh tốt… cũng như hàng loạt các tiêu chí chặt chẽ khác về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ freefloat…
“Vietjet đã có những bước trưởng thành cùng với thị trường chứng khoán: kể từ khi Vietjet thực hiện IPO và giao dịch cổ phiếu trên HOSE từ đầu năm 2017, giá trị vốn hóa hiện nay của công ty đạt hơn 66.000 tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD). Giá trị vốn hóa của Vietjet đạt được là nhờ vào những thông tin minh bạch mà Vietjet công bố ra thị trường với sự đảm bảo từ kiểm toán quốc tế, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ hàng năm cùng với đó là tỷ lệ chia cổ tức cao đem lại lợi ích lớn cho cổ đông. Hành trình gần hai năm của Vietjet với HOSE có thể nói đã thành công và mở ra những cơ hội mới cho không chỉ Vietjet trong việc tiếp cận nhà đầu tư mà cả hàng triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần xây dựng thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, hiệu quả, sự hào hứng cho nhà đầu tư".
Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietjet phát biểu tại Hội nghị |
"Năm 2018 cũng là năm đánh dấu sự thành công vượt bậc của Vietjet với doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính tăng tới 49% đạt 112% kế hoạch, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức rất thâp, chỉ 0.04 lần, tiếp tục nằm trong nhóm các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất với số thuế phí thu nộp ngân sách năm 2018 lên đến 6.192 tỷ đồng, tổng doanh thu 52.400 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 5.830 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt gần 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 37,6%. Tỷ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) ở mức hấp dẫn 11,5%.
"Vietjet cũng bảo vệ thành công chứng chỉ “An toàn hàng không quốc tế IOSA” lần thứ 3 vào tháng 9/2018. Các chỉ số an toàn khai thác thuộc nhóm các hãng hàng không dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được tổ chức quốc tế AirlineRatings đánh giá chỉ số an toàn đạt 7 sao - mức cao nhất của các hãng hàng không trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Vietjet đạt nhiều giải thưởng uy tín trong năm 2018, như top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam của tạp chí Forbes, đứng thứ 22 trong Top 50 hãng hàng không hàng đầu thế giới về các chỉ số tài chính của AirFinance Journal, Top 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam…”, ông Trần Hoài Nam chia sẻ.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, 2018 là một năm vượt khó, thành công của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một phần quan trọng trong hội nghị là những kiến nghị của các đại biểu – đại diện cho các thành viên của thị trường để xây dựng một thị trường chứng khoán Việt Nam minh bạch, thu hút vốn đầu tư, nâng hạng thị trường.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI kiến nghị cần đưa ra những quy định, yêu cầu khắt khe hơn cho các doanh nghiệp nằm trong các rổ chỉ số như việc công bố thông tin phải bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức đầu tư quốc tế.
Ông Nguyễn Duy Hưng cũng kiến nghị cho phép các tổ chức tài chính trung gian được xây dựng các chỉ số, như thế các cơ quan quản lý nhà nước như Ủy ban Chứng khoán hay Sở Giao dịch Chứng khoán chỉ còn đóng vai trò quản lý, chấp nhận hay không chấp nhận chỉ số, các chỉ số khi đó sẽ gắn với thị trường hơn.
“Hãy bằng những giải pháp để chúng tôi xây được thị trường chứng khoán cạnh tranh được với ngân hàng thương mại… xây dựng thị trường lớn mạnh, minh bạch, nâng tầm khu vực”, ông Nguyễn Duy Hưng phát biểu.
Phó Tổng giám đốc Vietjet Trần Hoài Nam cũng như nhiều đại biểu tại hội nghị mong muốn Luật Chứng khoán sửa đổi sớm được thông qua, góp phần làm nền và là quy chuẩn chung cho các thành viên tham gia thị trường chứng khoán trong tương lai.
Ông Trần Hoài Nam cũng cho rằng thời gian cổ phiếu về tài khoản hiện vẫn còn khá dài, nhà đầu tư không được phép bán trước khi chứng khoán về tài khoản, điều này làm ảnh hưởng sự hấp dẫn của chứng khoán cơ sở với chứng khoán phái sinh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam cần xem xét sớm triển khai việc giảm bớt thời gian cổ phiếu về tài khoản để gia tăng tính thanh khoản cho thị trường, hấp dẫn nhà đầu tư.
Đáp lại những ý kiến của các thành viên thị trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đã ghi nhận những ý kiến đóng góp và sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát chặt chẽ để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển, nâng hạng thị trường. Một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 sẽ là trình thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi với nhiều quy định điều chỉnh cho phù hợp với thông lệ quốc tế, bối cảnh thị trường…
Phó Thủ tướng nhắn nhủ tới các thành viên của thị trường: "Muốn đi xa thì đi một mình. Chúng ta muốn đi xa, về đích thì nên đi cùng nhau... Đề nghị các doanh nghiệp niêm yết hay chưa niêm yết, các thành viên thị trường đi xa và đi về đích, có một thị trường phát triển nhanh, mạnh và thành công".