Ngân hàng - Bảo hiểm
SHB muốn phát hành trái phiếu quốc tế, niêm yết tại sàn ngoại
Thùy Liên - 30/07/2019 08:08
Sau VPBank và TPBank, đến lượt HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) muốn chào bán trái phiếu tại nước ngoài và niêm yết trái phiếu tại sở giao dịch chứng khoán nước ngoài.
SHB là ngân hàng thứ ba muốn phát hành trái phiếu quốc tế để bổ sung vốn cấp 2

Hiện phương án trên đang được HĐQT của ngân hàng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Số lượng trái phiếu muốn phát hành và thời điểm phát hành chưa được SHB đưa ra. Theo thông báo, ngày chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản là ngày 15/8/2019. Thời gian thực hiện dự kiến là tháng 8/2019.

Như vậy, sau VPBank và TPBank, đến lượt SHB “xuất ngoại” huy động vốn.

Giữa tháng 7/2019,  VPBank đã huy động thành công 300 triệu USD (hơn 7.100 tỷ đồng) thông qua phát hành trái phiếu quốc tế kỳ hạn 3 năm. 

Trái phiếu của VPBank có lãi suất danh nghĩa 6,25%, là trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm và được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore. Lượng trái phiếu này được phân phối cho các nhà đầu tư châu Á và châu Âu, với tỷ lệ lần lượt là 52% và 48%. 

Theo đại diện VPBank, đợt phát hành vừa thực hiện là lượng trái phiếu quốc tế lớn nhất lần đầu tiên được phát hành bởi một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các nhà đầu tư đăng ký mua với tổng lượng đặt mua gấp 3 lần lượng trái phiếu VPBank phát hành.

Đợt phát hành này cũng là lần huy động vốn đầu tiên trong chương trình phát hành nhiều lần theo tiêu chuẩn quốc tế (Eurobond Medium Term Note - EMTN) của VPBank trong 12 tháng tới, với giá trị tối đa 1 tỷ USD.

Sau VPBank, cuối tháng 6/2019, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng lấy ý kiến cổ đông, chuẩn bị triển khai kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế.

Nhiều chuyên gia dự đoán, thời gian tới sẽ có thêm nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế để tăng vốn cấp 2.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, hiện đang có nhiều điều kiện thuận lợi để các ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế.  Thứ nhất, Chính phủ đang khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thứ hai, hệ số tín nhiệm của Việt Nam được Fitch và S & P nâng lên hồi tháng 4 và tháng 5 năm 2019, nên lãi suất huy động vốn ngoại tệ sẽ thấp hơn (do rủi ro được đánh giá ở mức thấp hơn).

Tin liên quan
Tin khác