Nếu như năm trước, thương vụ sáp nhập giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) là một trong những mối quan tâm hàng đầu giới tài chính, thì năm nay, vị trí "ngôi sao" trên dư luận thuộc về cuộc “hôn nhân” mới giữa Ngân hàng TMCP Đại Á (DaABank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).
Theo báo cáo tài chính năm 2012, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu của HDBank đạt 814 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, DaiABank cũng đạt lợi nhuận cơ bản là 616 đồng/cổ phiếu.
| ||
Ngân hàng mới từ cuộc M&A giữa HDBank và DaiA Bank sẽ có quy mô vốn không kém so với SHB |
Tuy chỉ đạt lợi nhuận cơ bản nhỉnh hơn chút ít so với DaiABank, nhưng HDBank lại vượt trội hơn hẳn về quy mô tổng tài sản.
Tại thời điểm 31/12/2012, HDBank có tổng tài sản gần 52.800 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản của DaiABank chỉ bằng khoảng 1/3, với hơn 17.900 tỷ đồng.
Nợ của DaiABank tuy nhỏ hơn, nhưng các chỉ số nợ cũng khá an toàn. Về con số tuyệt đối, các khoản nợ của DaiABank trong 2 năm gần nhất có xu hướng giảm, trong khi nợ của HDBank tăng lên.
Cụ thể, tổng nợ phải trả của DaiABank tại thời điểm 31/12/2011 là gần 18.700 tỷ đồng; nhưng đến cuối 2012, tổng nợ của ngân hàng này đã giảm còn hơn 14.500 tỷ đồng.
Mặc dù tổng tài sản của DaiABank từ cuối 2011 đến cuối 2012 đã giảm từ 22.200 tỷ đồng, còn 17.900 tỷ đồng, nhưng nếu so với tổng nợ phải trả của từng năm, thì tỷ lệ nợ/tổng tài sản của DaiABank cuối năm 2012 vẫn thấp hơn năm trước (0,81 so với 0,84).
Với quy mô của 2 ngân hàng HDBank và DaiABank như hiện nay, sau khi sáp nhập, ngân hàng mới sẽ khá tương đồng với SHB về quy mô vốn. Theo đó, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ hơn 8.000 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 70.000 tỷ đồng, so với con số tương ứng của SHB sau sáp nhập là gần 9.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng.
So với quy mô của SHB, ngân hàng hình thành từ cuộc bắt tay giữa DaiABank và HDBank có tổng tài sản thấp hơn khá nhiều, nhưng vốn điều lệ lại không hề “lép vế”.
Chí Tín