Ngân hàng
Siết lãi suất cho vay tiêu dùng
Vân Linh - 13/04/2019 07:36
Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính ở mức hợp lý, đảm bảo minh bạch, lành mạnh. Việc kiểm soát hoạt động xử lý, mua bán nợ của loại hình này cũng phải sửa đổi, bổ sung theo hướng thắt chặt.
Siết lãi suất cho vay tiêu dùng là cần thiết để đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh. Ảnh: Đức Thanh

Kiểm soát lãi vay tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), kết quả khảo sát vừa được Ngân hàng Nhà nước thực hiện tại 7 địa phương có cho vay tín dụng tiêu dùng lớn và hoạt động tín dụng đen nhức nhối thời gian qua (Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Thanh Hóa) cho thấy, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, nên phải vay của các công ty tài chính với lãi suất cao. Lãi suất phổ biến mà các công ty áp dụng là 40 - 50%/năm, một số trường hợp lãi suất cho vay lên đến 85%/năm và thường áp dụng với số tiền cho vay ban đầu, không tính theo dư nợ giảm dần.

Trong khi đó, công ty tài chính đáp ứng mọi nhu cầu của người thu nhập thấp với nhiều hình thức cho vay phong phú, như cho vay trả góp, cho vay tiền mặt..., với hồ sơ được xét duyệt đơn giản như chỉ cần CMND, hộ khẩu, điện thoại liên lạc, bằng lái xe.

Trên thực tế, lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp luôn là vấn đề được thị trường quan tâm và không ít khách hàng đã “bút sa gà chết”, phải trả mức lãi vay tiêu dùng cao.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017. Theo đó, công ty tài chính phải ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất và trình Ngân hàng Nhà nước.

Siết cho vay tiền mặt

Bên cạnh kiểm soát lãi suất cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước cũng đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư sửa đổi quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Ngoài những nội dung chặt chẽ hơn với hoạt động đòi nợ, dự thảo mới cũng siết chặt hoạt động cho vay tiền mặt của các công ty tài chính.

Dự thảo chia hoạt động cho vay tiêu dùng thành 2 loại: cho vay giải ngân gián tiếp (qua bên bán hàng) và cho vay giải ngân trực tiếp cho người vay. Công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp với khách hàng vay có lịch sử trả nợ tốt và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) khi ký hợp đồng. Dự thảo đề xuất tỷ trọng cho vay tiền mặt không quá 30% tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính.

Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, căn cứ thực trạng cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tại Việt Nam, cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Vì vậy, để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả, cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay nên hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt cũng như có quy định về trần cho vay ở mức 30%. Như vậy, dự thảo trên “chặn” bớt sự phát triển cho vay tiền mặt tiêu dùng của các công ty tài chính - vốn được xem là miếng bánh béo bở nhất.

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV nhận định, Ngân hàng Nhà nước có thể muốn kiểm soát hoạt động cho vay của các công ty tài chính, nhất là đối với cho vay tiền mặt sau nhiều tai tiếng liên quan đến lãi suất, minh bạch hay công tác thu hồi nợ. Để kiểm soát rủi ro trong hoạt động này, có thể áp dụng nhiều giải pháp khác nhau, như cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các tiêu chí về thanh khoản, về vốn hay hệ số đòn bẩy của công ty tài chính theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Việc quy định trần tỷ lệ cho vay tiền mặt cần được đánh giá đa chiều trước khi áp dụng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Ngân hàng Nhà nước phải khảo sát và công bố tỷ lệ cho vay tiền mặt, giải ngân trực tiếp cho khách hàng của ít nhất 12 công ty tài chính dẫn đầu (chiếm khoảng 90% thị phần cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện nay). Giả sử tỷ lệ bình quân giải ngân trực tiếp cho khách hàng của các đơn vị này là hơn 30% thì có thể đưa tỷ lệ từ mức 50%. Sau đó, có thể đưa ra lộ trình giảm dần xuống 40%...

Các chuyên gia tài chính cho rằng, điều người dân cần nhất là cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét làm sao chốt khung lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cho phù hợp, tránh mức lãi suất cho vay quá cao, gần như tín dụng đen. Trong khi đó, việc siết cho vay tiền mặt của công ty tài chính là hạn chế phát triển tài chính vi mô. Ngoài vay mua hàng hóa trả góp như mua xe máy, mua điện thoại..., khách hàng cần vay tiêu dùng là các cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ với khoản vay phổ biến 5 - 10 triệu đồng. Khoản vay đó có thể để làm vốn lưu động trong buôn bán hay sản xuất nhỏ, mang tính thời vụ. Vì vậy, những khách hàng này cũng có nhu cầu vay tiền mặt trực tiếp, bởi họ không đủ điều kiện có tài sản thế chấp để vay ngân hàng.

Tin liên quan
Tin khác