Các doanh nghiệp cổ phần hóa được nộp hồ sơ song song để đăng ký giao dịch trên UPCoM, hoặc niêm yết trên Sở GDCK |
Doanh nghiệp phải minh bạch thông tin
Tại Hội thảo phổ biến Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán do UBCK vừa tổ chức, ông Công cho biết, dự thảo thông tư nêu trên sẽ thay thế cho Thông tư 204/2012/TT-BTC hướng dẫn hồ sơ, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng và Thông tư 130/2012/TT-BTC hướng dẫn mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng.
Liên quan đến một nội dung mới tại dự thảo Thông tư là quy định về chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi, ông Công cho hay, trước đây, UBCK tạo thông thoáng tối đa cho các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
“Điều này thể hiện qua việc Chủ tịch UBCK ủy quyền cho tôi ký giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho các doanh nghiệp”, ông Công nói.
Tuy nhiên, theo ông Công, thời gian gần đây, các doanh nghiệp lạm dụng sự thông thoáng trên, nên tạo ra các mặt trái trong quá trình triển khai các đợt phát hành riêng lẻ, trong đó có tình trạng doanh nghiệp phát hành để hoán đổi các khoản nợ, nhưng không minh bạch thông tin. Do đó, tại dự thảo Thông tư, UBCK đề xuất Bộ Tài chính kiểm soát hoạt động phát hành riêng lẻ theo hướng doanh nghiệp phải công bố rõ có phải phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ hay không, đó là khoản nợ nào, nợ ai, nợ bao nhiêu, để cổ đông có thông tin đưa ra biểu quyết.
“Việc kiểm soát chặt hơn hoạt động phát hành, không phải là UBCK đặt thêm các điều kiện gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà là tạo cơ chế để cổ đông kiểm soát, giám sát chặt hơn hoạt động phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp”, ông Công nhấn mạnh.
Theo quy định hiện hành, chỉ với hình thức phát hành riêng lẻ, thì doanh nghiệp mới phải tuân thủ quy định có văn bản xác nhận của ngân hàng về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán trong hồ sơ đăng ký chào bán, nhưng nay, dự thảo Thông tư đặt ra yêu cầu này đối với cả hình thức phát hành ra đại chúng.
Giải đáp câu hỏi từ đại diện một doanh nghiệp, đề nghị UBCK giải thích rõ hơn nội dung mới tại dự thảo Thông tư là bổ sung tài liệu vào hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng: báo cáo tình hình sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán gần nhất được công ty kiểm toán xác nhận, việc này nhằm mục đích gì, ông Công cho biết, quy định mới này nhằm giúp cổ đông có thêm thông tin theo hướng tin cậy hơn, để giám sát về tình hình sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Ông Công lưu ý, với những hồ sơ phát hành chứng khoán đã nộp lên UBCK trước thời điểm Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 1/9/2015), nếu doanh nghiệp có nhu cầu xử lý hồ sơ theo quy định của Nghị định 58/2012/NĐ-CP, thì UBCK sẽ xử lý theo mong muốn của doanh nghiệp.
Không có chuyện “giấy phép con”
Liên quan đến một hướng dẫn mới tại dự thảo Thông tư là xác nhận kết quả phát hành, chào bán của UBCK là “UBCK gửi thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả phát hành, chào bán cho tổ chức phát hành, Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán…”, có quan điểm cho rằng, đây là một dạng “giấy phép con”.
Ông Công phủ nhận ý kiến này, đồng thời khẳng định, việc UBCK đề xuất bổ sung hướng dẫn nêu trên là nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn qua sở kế hoạch và đầu tư, thì sở yêu cầu phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn về vấn đề này, nên doanh nghiệp gặp khó khăn. Để tháo gỡ vướng mắc đó, đáp ứng nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, UBCK đề xuất Bộ Tài chính hướng dẫn theo hướng vừa nêu.
Một nội dung mới khác tại dự thảo Thông tư, theo ông Công, là hướng dẫn về tài liệu pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất trong hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng đối với việc huy động vốn cho các dự án liên quan đến bất động sản gồm: giấy công nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Hướng dẫn này phù hợp hơn với thực tiễn, thay vì quy định hiện hành yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
“Doanh nghiệp được chọn niêm yết thẳng”
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK
Tại dự thảo Thông tư hướng dẫn niêm yết và đăng ký giao dịch chứng khoán trên sở GDCK, mà UBCK đang hoàn tất để trình Bộ Tài chính ban hành, có bổ sung hướng dẫn đăng ký giao dịch, niêm yết của doanh nghiệpNN chuyển đổi thành công ty cổ phần dưới hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Theo đó, cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ song song để đăng ký giao dịch trên UPCoM, hoặc đăng ký niêm yết trên Sở GDCK.
Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa phải hoàn tất nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin về kết quả đợt chào bán, đăng ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo xác nhận kết quả chào bán của UBCK.
Trong thời gian đăng ký giao dịch trên UPCoM, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện niêm yết thì được làm thủ tục niêm yết trên Sở GDCK.
Một vấn đề có liên quan, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp có vốn lớn 2.000 - 3.000 tỷ đồng, hàng nghìn cổ đông, có kết quả kinh doanh tốt, tình hình tài chính lành mạnh, nhưng lại hủy niêm yết tự nguyện. Trong số đó, có CTCP Đầu tư Alphanam (ALP), CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC)…
Đây là điều không tốt cả với thị trường lẫn các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ. Để giảm thiểu tình trạng này, trên cơ sở quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Nghị định 60/2015/NĐ-CP, nhà quản lý đang tính toán đưa ra hướng dẫn trong hồ sơ hủy niêm yết tự nguyện của doanh nghiệp phải có tài liệu thể hiện kết quả biểu quyết của cổ đông nhỏ lẻ có quyền biểu quyết (không phải số cổ đông dự họp ĐHCĐ) ủng hộ phương án hủy niêm yết tự nguyện.
Kèm theo đó, yêu cầu HĐQT của doanh nghiệp phải có phương án đàm phán với các cổ đông phản đối việc hủy niêm yết tự nguyện để mua lại cổ phiếu của họ làm cổ phiếu quỹ.
“Nới room mà không báo cáo UBCK sẽ bị xử phạt”
Ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, UBCK
Theo quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP, khi thực hiện quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, thì công ty niêm yết phải báo cáo UBCK và công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên website của doanh nghiệp, sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
Tuy ở đây doanh nghiệp chỉ phải báo cáo UBCK, chứ cơ quan quản lý không xem xét, cấp phép cho doanh nghiệp nới room, nhưng nếu doanh nghiệp không tuân thủ nghĩa vụ báo cáo thì sẽ bị xử phạt.
UBCK đang tiến hành các bước sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, cập nhật các hành vi vi phạm mới theo quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP, trong đó có hành vi doanh nghiệp nới room mà không báo cáo UBCK.
Liên quan đến câu hỏi của các doanh nghiệp là họ căn cứ vào đâu để xác định doanh nghiệp không bị hạn chế nới room; trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà chưa được quy định và cập nhật trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, thì doanh nghiệp phải làm gì để nới room?
Đầu tiên, doanh nghiệp cần tham khảo thông tin trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, để xác định có thuộc diện được hay không được nới room, nếu được thì nới với tỷ lệ bao nhiêu.
Với những ngành, lĩnh vực mà trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia chưa cập nhật về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì UBCK sẽ xin ý kiến các bộ, ngành để có hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp.