Thi công công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn I, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo Ảnh: Lê Toàn |
Xong điều kiện đầu tiên
Sau rất nhiều chờ đợi, các nhà thầu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đã có thể biết được những thông tin cơ bản đầu tiên liên quan đến công tác chỉ định thầu các gói thầu xây lắp thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, trong vòng 2 ngày, từ ngày 3/11 đến 4/11/2022, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã đồng loạt phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát, bảo hiểm công trình gói thầu xây lắp cho toàn bộ 12 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sử dụng vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, “ngôi sao” lớn nhất trong số các gói thầu thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sử dụng vốn ngân sách nhà nước và Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội chính là 25 gói thầu xây lắp dự kiến áp dụng hình thức chỉ định thầu/1 giai đoạn 1 túi hồ sơ.
So với kế hoạch dự kiến về việc phân chia các gói thầu xây lắp được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 9/2022, số lượng gói thầu xây lắp tại 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã giảm từ 30 xuống còn 25 gói thầu. Trong số này, có 2 dự án thành phần chỉ gồm 1 gói thầu xây lắp; 3 dự án thành phần có 3 gói thầu xây lắp; 7 dự án thành phần gồm 2 gói thầu xây lắp.
Trong đó, Gói thầu Xây lắp - Thi công xây dựng toàn tuyến thuộc Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có giá trị lớn nhất (7.966 tỷ đồng). Đây cũng là gói thầu xây lắp duy nhất thuộc Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang.
Ông Phạm Quang Tuyến, Phó tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường đánh giá, đây là gói thầu xây lắp có quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành GTVT. Bài toán đối với các ứng thầu không chỉ là việc đáp ứng tiêu chí về năng lực tài chính và kinh nghiệm, mà còn là phải xây dựng đoạn tuyến cao tốc đi qua địa bàn có địa chất phức tạp trong thời gian rất ngắn.
Được biết, các gói thầu xây lắp nói trên đều bao gồm cả công tác khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, trong đó, phần xây lắp theo đơn giá điều chỉnh, phần khảo sát theo đơn giá cố định, phần thiết kế bản vẽ thi công là trọn gói; thời gian tổ chức đấu thầu trong quý IV/2022; thời gian thi công thống nhất là 1.020 ngày.
Theo yêu cầu của Bộ GTVT, các đơn vị chủ đầu tư có trách nhiệm đăng tải thông tin đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; đồng thời căn cứ kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt để tổ chức thực hiện theo đúng quy định.
Cần phải nói thêm rằng, để có thể triển khai công tác chỉ định thầu gói thầu xây lắp, Bộ GTVT còn phải thực hiện xong 2 nội dung nữa, là ban hành tiêu chí lựa chọn nhà thầu và đợi Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hồ sơ thiết kế kỹ thuật cùng dự toán xây dựng công trình các đoạn tuyến/gói thầu xây lắp.
Để được xem xét chỉ định thầu, Bộ GTVT từng xây dựng bộ tiêu chí gồm 5 điều kiện đối với nhà thầu, bao gồm: có chứng chỉ năng lực hạng I đối với công trình đường bộ, chứng chỉ năng lực phù hợp cấp công trình cầu, hầm của gói thầu đang xét (tương ứng với cấp công trình cầu, hầm…); có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về mặt kỹ thuật với tư cách là nhà thầu (có cùng loại và cấp công trình) và có giá trị hợp đồng tương tự tối thiểu 50% giá gói thầu đang xét; nguồn lực tài chính phải đáp ứng yêu cầu; doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng 3 năm gần nhất phải tương đương với giá gói thầu đang xét.
Ngoài ra, Bộ GTVT dự kiến yêu cầu nhà thầu phải huy động nhân sự, máy móc, thiết bị phù hợp với quy mô gói thầu để triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ; trường hợp nhà thầu tham gia nhiều gói thầu, thì phải đảm bảo không có sự trùng lặp về nhân sự, máy móc, thiết bị giữa các gói thầu và đáp ứng nguồn lực tài chính bố trí cho từng gói thầu.
“Trường hợp liên danh để tham gia gói thầu, thì từng thành viên phải đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm tương ứng nội dung, phạm vi công việc đảm nhận theo thỏa thuận liên danh (theo các tiêu chí nêu trên)”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.
Nếu chiểu theo bộ tiêu chí nói trên, trong 10 năm qua, có khoảng 48 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng công trình giao thông cấp II trở lên có tính chất kỹ thuật tương tự và có giá trị hợp đồng lớn hơn hoặc bằng 350 tỷ đồng. Trong đó, có 18 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 350 đến 500 tỷ đồng; 16 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 500 đến 1.000 tỷ đồng; 7 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 1.000 đến 1.500 tỷ đồng; 7 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, chậm nhất là đến cuối tháng 11/2022, các chủ đầu tư sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách ngắn các nhà thầu xây lắp dự kiến chỉ định thầu cũng như tiêu chí lựa chọn nhà thầu. Đây là những cơ sở pháp lý cuối cùng để kích hoạt đồng loạt việc chọn thầu cho 25 gói thầu xây lắp đặc biệt này.
Không chia nhỏ gói thầu
Được biết, yêu cầu đặt ra đối với việc chỉ định thầu đã được Thủ tướng Chính phủ làm rõ tại Thông báo số 46/TB-VPCP ngày 19/2/2022. Đó là chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm và không chia nhỏ gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ.
Từ thực tiễn triển khai Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Bộ GTVT cho rằng, nếu phân chia với phạm vi khoảng 20 - 40 km/gói thầu, thì bình quân mỗi gói có giá trị khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Khi đó, 1 gói thầu thi công xây dựng có khoảng 3 nhà thầu trong 1 liên danh. Số lượng nhà thầu trong 1 liên danh như vậy sẽ thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong quá trình tổ chức triển khai thi công và quản lý chi phí đối với các nhà thầu trong liên danh cũng như của chủ đầu tư.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đánh giá, cách phân chia gói thầu như trên cho thấy, Bộ GTVT đã tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ về việc không chia nhỏ gói thầu để ảnh hưởng đến tiến độ và có thể tăng tổng mức đầu tư dự án.
Đối với Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang lên tới gần 8.000 tỷ đồng, sẽ là thách thức lớn, song cũng là điều kiện tốt để nhà thầu tham gia dự án “lớn lên” cả về năng lực, kinh nghiệm so với việc chỉ thực hiện các gói thầu có giá trị từ 1.000 đến 2.000 tỷ đồng.
“Với những gói thầu như thế này, nhà thầu nào có kinh nghiệm điều hành dự án độc lập cần được ưu tiên lựa chọn. Họ sẽ đóng vai trò điều phối, quản trị và huy động các nhà thầu xây lắp theo mô hình tổng thầu EPC để triển khai thực hiện”, ông Chủng nói.
Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, hiện nay, các đơn vị tư vấn đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn. Công tác lập hồ sơ thiết kế, dự toán, thẩm tra, thẩm định đang được tiến hành song song, đáp ứng tiến độ yêu cầu và trình duyệt đợt 1 (mỗi dự án thành phần chọn 1 gói thầu xây lắp thuận lợi) để tổ chức thẩm định.
“Bộ GTVT đã có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước để phối hợp kiểm toán hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình các đoạn tuyến/gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tiến độ khởi công dự án trước ngày 31/12/2022”, ông Nguyễn Duy Lâm nói.