Điểm nóng
“Siêu dự án” Trung ương và lời “khẩn cầu” từ TP.HCM - Bài 3: Lê thê những tuyến đường vành đai “xương sống”
Ngô Nguyên - 29/04/2021 10:13
Chậm trễ, kéo dài lê thê là từ khóa để chỉ các công trình giao thông trọng điểm có tính kết nối TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm, năng động phía Nam.
Hàng loạt dự án lớn có tính “xương sống” cho sự phát triển của TP.HCM và vùng lân cận do các bộ, ngành chức năng triển khai hoặc bị “treo” nhiều năm, hoặc gặp quá nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều hệ lụy, không chỉ gây lãng phí đất đai, ngân sách, mà còn khiến người dân khốn khổ. Bức bối tới mức, mới đây, cơ quan chức năng TP.HCM phải gửi văn bản tới UBND TP.HCM, mong UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm triển khai những dự án này.
Tuyến Vành đai 3 dài hơn 89 km, nhưng sau 10 năm mới làm được hơn 16 km (đoạn qua tỉnh Bình Dương)

Bài 3: Lê thê những tuyến đường vành đai “xương sống”

Theo quy hoạch, TP.HCM có 2 đường vành đai, được xác định là “xương sống” giao thông để phát triển kinh tế, không chỉ cho riêng Thành phố, mà với cả khu vực phía Nam. Nhưng, việc triển khai các tuyến này đều rất chậm trễ.

Vành đai 4 chậm trễ ngay khâu nghiên cứu đầu tư

Dự án Đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 197 km, đi qua 5 tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1698/QĐ-TTg, ngày 28/9/2011.

TP.HCM đề xuất Trung ương hỗ trợ 3.000 tỷ đồng làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Mới đây, trong văn bản dự thảo kiến nghị một số vấn đề gửi tới Chính phủ, UBND TP.HCM đã đề xuất được hỗ trợ 50% vốn ngân sách trung ương (khoảng 3.000 tỷ đồng) để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đi qua địa bàn Thành phố.

Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có tổng chiều dài khoảng 53,5 km (đoạn qua TP.HCM khoảng 24 km, qua tỉnh

Tây Ninh khoảng 29,5 km) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.614 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 5.117 tỷ đồng. Chính phủ giao UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án này.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ có các nút giao kết nối với đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP.HCM; là tuyến đường không chỉ kết nối kinh tế liên vùng, mà còn kết nối với các nước ASEAN.

Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) được giao trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch Dự án theo chức năng của ngành; lập, phê duyệt dự án đầu tư và bàn giao cho các địa phương để chủ động kêu gọi, huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất; phối hợp với bộ, ngành liên quan và các địa phương để cân đối phân bổ vốn ngân sách hằng năm, huy động nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác để thực hiện đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng. Sau khi hình thành, tuyến đường Vành đai 4 có vai trò kết nối các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Đông Nam bộ với khu cảng Hiệp Phước, cảng Long An, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng.

Hiện phần lớn dự án thành phần của Dự án Đường Vành đai 4 TP.HCM đang ở bước duyệt quy hoạch. Riêng đoạn 5 (Bến Lức - Hiệp Phước) đã được Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư từ năm 2009 và đã thông qua báo cáo giữa kỳ, nhưng do chưa có nguồn vốn, nên tạm dừng. Đến tháng 2/2020, Bộ GTVT mới chỉ đạo nghiên cứu phương án đầu tư dự án thành phần đoạn Bến Lức - Hiệp Phước.

Để thúc đẩy tiến độ, trong tháng 1/2021 và tháng 4/2021, Sở GTVT TP.HCM có các văn bản cùng một nội dung, trong đó nêu rõ, tại Thông báo đề ngày 21/8/2020 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: đối với đường Vành đai 4, giao các địa phương liên quan lập dự án, ưu tiên bố trí nguồn lực giai đoạn 2021 - 2025 các đoạn tuyến được giao trong quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư; các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xem xét để có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho tuyến đường này.

Tiếp đó, ngày 5/10/2020, UBND TP.HCM có công văn kiến nghị Bộ GTVT cùng lãnh đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh liên quan để thống nhất phương án, kế hoạch đầu tư đường Vành đai 3, Vành đai 4.

Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu tổng thể phương án, quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng đối với Dự án Đường Vành đai 4 TP.HCM.

Đồng thời, Sở cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét để có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho tuyến đường này.

Lý do là, mặc dù có vị trí, tiềm năng, lợi thế rất lớn, nhưng trong thời gian qua, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đã bộc lộ nhiều tồn tại như xu hướng tăng trưởng chậm lại, kết cấu hạ tầng không đồng bộ, chậm cải thiện, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông thiếu sự liên kết vùng, chất lượng phát triển đô thị thấp… Để phát huy thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2021 - 2025, cần thiết ưu tiên đầu tư hoàn thành khép kín tuyến đường Vành đai 4.

Vào ngày 3/4/2021, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc nghiên cứu đầu tư tuyến Vành đai 4 còn hết sức chậm trễ.

Vành đai 3 và nỗi khổ tâm của TP.HCM

Tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, có tổng chiều dài hơn 89 km, đi qua địa phận các tỉnh, thành phố: Long An, Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai.

Cũng như tuyến đường Vành đai 4, đường Vành đai 3 không chỉ mang sứ mệnh “chia lửa” áp lực giao thông nội thành của TP.HCM, mà còn tăng nối kết vùng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của cả khu vực Đông Nam bộ.

Dù được phê duyệt quy hoạch từ 10 năm trước và theo kế hoạch, sẽ hoàn thành trong năm 2020, nhưng đến nay, Vành đai 3 mới làm được một đoạn dài hơn 16 km trên địa bàn tỉnh Bình Dương, chiếm tỷ lệ 17,92% của toàn Dự án.

Cũng trong ngày 3/4/2021, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã phê bình, hơn 10 năm mới làm được hơn 16 km là quá chậm chạp. Sự chậm trễ này có trách nhiệm thuộc về một số bộ, ngành trung ương và một số địa phương liên quan.

Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT với vai trò là cơ quan quản lý toàn bộ tuyến đường Vành đai 3 cần khẩn trương xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp với tình hình mới; rà soát, đánh giá toàn diện tình hình triển khai tuyến đường, những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đề xuất giải pháp, trong đó tập trung huy động nguồn lực đầu tư, phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong từng giải pháp...

Mới đây, Bộ GTVT đã có Công văn số 3102/BGTVT-KHĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Công văn có nêu, do tính cấp bách của việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, trong bối cảnh nguồn lực quốc gia còn khó khăn, nên rất cần sự tham gia của cả Trung ương và các địa phương.

Do vậy, bộ này đề nghị các địa phương có ý kiến về khả năng các địa phương đảm nhận đầu tư các đoạn của đường Vành đai 3 trên địa phận của mình. Trong trường hợp địa phương đảm nhận đầu tư, đề nghị đề xuất cơ chế thực hiện; trong trường hợp đề xuất Bộ GTVT đảm nhận việc xây dựng, đề nghị có ý kiến về khả năng đảm nhận toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng.

Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng kinh phí để đầu tư hoàn thiện toàn bộ tuyến Vành đai 3 cần hơn 60.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng...

Thực ra, việc Bộ GTVT đề nghị các địa phương có ý kiến về khả năng đảm nhận đầu tư các đoạn của đường Vành đai 3 trên địa phận của mình không mới.

Với TP.HCM, trước khi Bộ GTVT có văn bản trên, tại buổi làm việc ngày 3/4/2021, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND TP.HCM nghiên cứu cân đối từ nguồn vốn của Thành phố để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo kiến nghị của Bộ GTVT tại Công văn số 2165/BGTVT-KHĐT, ngày 17/3/2021 “về kinh phí bồi thưởng, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tăng lên của dự án thành phần 1A, sau khi Thành phố chính thức phê duyệt, Bộ GTVT sẽ tiến hành thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án đầu tư. Trước mắt, để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án, đề nghị UBND Thành phố cân đối bố trí từ nguồn ngân sách địa phương để chi trả”.

Trong khi đó, theo tính toán sơ bộ của cơ quan chức năng TP. Thủ Đức (TP.HCM), do Dự án Đường Vành đai 3 chậm triển khai, với đoạn tuyến qua địa bàn, số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đã tăng lên gần 1.800 tỷ đồng, chứ không còn là 148 tỷ đồng như ban đầu. Đây chính khó khăn, vướng mắc lớn đối với dự án thành phần 1A của Vành đai 3 qua địa bàn Thành phố.

Cũng liên quan vấn đề này, hàng loạt sở, ngành đã “nhận lệnh” của UBND TP.HCM tiến hành rà soát, kiểm tra để tham mưu, kiến nghị.

Thực hiện yêu cầu của UBND TP.HCM về việc đề xuất các nội dung, kiến nghị thuộc thẩm quyền xem xét của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Sở GTVT TP.HCM đề xuất, UBND TP.HCM kiến nghị xem xét bố trí nguồn vốn trung ương đối với phần tăng thêm của chi phí giải phóng mặt bằng tại dự án thành phần 1A.

Sở này còn kiến nghị, Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công tại những nơi đã giao xong mặt bằng đối với cao tốc Bến Lức - Long Thành (TP.HCM - Trung Lương đến Quốc lộ 51), là điểm nối với Vành đai 3. Hiện khối lượng thi công tại đây đã đạt hơn 78% tổng giá trị các hợp đồng. Công tác giải phóng mặt bằng ở 2 huyện Bình Chánh và Nhà Bè đã đạt 98%, hiện chỉ còn 17 hộ chưa giải phóng mặt bằng, nhưng UBND TP.HCM sẽ tập trung xử lý dứt điểm để sớm bàn giao mặt bằng.

Không chỉ cơ quan chuyên môn, mới đây, trong bản dự thảo kiến nghị một số vấn đề gửi tới Chính phủ, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư khép kín đường Vành đai 3 từ nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Tin liên quan
Tin khác