“Cò”… xe đối ngoại
Ngay cả với những tay có máu mặt, việc kiếm cho mình một chiếc Bentley Flying Spur W12, nhưng với giá chỉ ngang bằng chiếc crossover Lexus RX 350, chắc chắn khó ngang với… lên giời! Bởi chiếc Bentley Flying Spur W12 có giá khoảng 620.000 USD, chưa kể thuế phí (trước bạ, đăng kiểm, tiền biển… khoảng ngót nghét 70.000 USD). Trong khi đó, giá và chi phí đến lăn bánh (đến công đoạn cuối cùng để có thể tham gia giao thông), chiếc Lexus RX 350 chỉ vào khoảng 170.000 USD.
Mặc dù vậy, những tay chơi có quan hệ rộng vẫn hoàn toàn có thể sở hữu những chiếc xe siêu sang chỉ với khoản đầu tư khiêm tốn, để được công nhận là đại gia chơi xe!
Thậm chí, trước sức hấp dẫn của khoản chênh lệch lên đến nhiều tỷ đồng so với xe đóng đủ thuế, không chỉ những tay chơi mà ngay cả các đại gia có tiếng trong giới chơi xe tại TP.HCM cũng đã kiếm cho mình một chiếc xe dạng này.
Thực ra, "mánh" để thực hiện việc “đầu tư thông thường, hiệu quả đại gia” này vẫn là xưa cũ. Đa phần, các thương vụ mua xe sang giá mềm này đều qua tay các “cò” xe ngoại giao, tức là những người có trong tay danh sách các nhân viên ngoại giao đang công tác tại Việt Nam có tiêu chuẩn mua xe. Bởi Việt Nam vẫn đang áp dụng chính sách miễn trừ thuế đối với mặt hàng ô tô cho nhân viên, lãnh sự, đại sứ... của các đại sứ quán, lãnh sự quán trong thời gian công tác tại Việt Nam (đây là những chiếc xe thuộc diện tạm nhập tái xuất, với niên hạn phụ thuộc nhiệm kỳ công tác của người mang xe vào Việt Nam).
Khi những người này không có nhu cầu sử dụng ô tô tại Việt Nam, những tay "cò" tháo vát đó sẽ đặt vấn đề “mua” lại suất này. Thông thường, giá mua các suất này sẽ tùy thuộc vào thời hạn còn lại của chứng minh thư công vụ của người bán, nhưng nhìn chung dao động trong khoảng 10.000 - 50.000 USD/suất.
Sau khi mua được suất và hoàn thành các thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và được thông quan, xe sang sẽ đến tay các khách hàng dù vẫn phải mang tên chủ sở hữu theo chứng minh thư công vụ.
Theo giới thạo tin, những chiếc xe tạm nhập tái xuất đó được bán trên địa bàn TP.HCM khoảng bằng 1/3 giá xe chính hãng được đóng đầy đủ thuế. Chẳng hạn, chiếc xe Porsche GT3 RS sản xuất năm 2017 có giá bán chính hãng tại Việt Nam là 13,12 tỷ đồng, thì được rao bán với giá chỉ khoảng 5,7 tỷ đồng. Hoặc xe Rolls Royce Wraith có giá sau thuế chính hãng là 18 tỷ đồng, chưa bao gồm các tùy chọn và thuế trước bạ.... Thì xe biển số CV, NG chỉ có giá trên dưới 6 tỷ đồng, vì là xe tạm nhập tái xuất, nên ngay cả phí trướcc bạ cũng không cần đóng. Có thể thấy xe càng đắt tiền, thuế càng cao, thì việc mua suất CV, NG lại càng có lợi, nên các đối tượng chỉ tập trung vào phân khúc xe sang và siêu xe.
Đại gia “hết hạn” và những hệ lụy
Khi các chứng minh thư công vụ của cán bộ ngoại giao hết thời hạn công tác tại Việt Nam, thì những chiếc xe này phải làm thủ tục tái xuất theo quy định. Trong trường hợp, nếu muốn tiếp tục sử dụng tại Việt Nam, thì chiếc xe này phải thực hiện thủ tục sang nhượng và để thực hiện thủ tục này, người mua xe sẽ phải nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Một trong những siêu xe và xe hạng sang của trùm ma túy Trần Ngọc Hiếu (Văn Kính Dương) mang biển số... CV |
Theo các quy định hiện hành, số tiền nộp thuế để được tiếp tục sử dụng cho những chiếc xe này sẽ rất lớn. Chẳng hạn, với chiếc xe Porsche 911 GT RS sau khi hết hạn, để có thể sang nhượng thì phải đóng các thuế như thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt theo dung tích xi lanh, VAT... Cộng với chi phí lưu hành như trước bạ, biển số, tổng chi phí phải là trên dưới 6 tỷ đồng. Ngoài ra, việc mua bán (thanh lý) được thực hiện với thủ tục khá rắc rối, nên hiếm tay chơi nào chọn con đường này. Vì thế, đa phần để tiếp tục là người sang chảnh - đại gia, các chủ xe… sẽ gắn biển số giả khi lưu thông!
Trong những năm vừa qua, các cơ quan chức năng đã liên tục xử lý nhiều trường hợp xe thuộc dạng này. Chẳng hạn, riêng trong năm 2016, công an TP.HCM đã xử lý 13 trường hợp như thế này và chỉ riêng trong tháng 11/2016, cơ quan chức năng đã tạm giữ 1 chiếc Bentley, 2 chiếc Porsche và 1 chiếc Lexus RX300 tại TP.HCM. Mới đây nhất, trùm ma túy Văn Kính Dương cũng đi chiếc McLaren 570S cũng mang biển số CV!
Ai cũng biết rằng, việc lưu hành những siêu xe hết hạn là hành vi phạm pháp luật, với tội danh trốn thuế. Ngoài việc gây thất thoát cho ngân sách, thì việc khó quản lý loại xe này khi đã hết hạn lưu hành sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường. Trường hợp trùm ma túy Văn Kính Dương là một ví dụ rất điển hình.
Thực trạng trên đã đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của những cán bộ thực thi pháp luật, đặc biệt là bộ phận cấp phép nhập khẩu và quá trình giám sát thời gian lưu hành của những chiếc xe sang. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, rủi ro trước tiên lại thuộc về những người… thích làm đại gia, khi mạo hiểm đặt cược vào những chiếc xe có chu kỳ sống quá ngắn.