Tuần trước, trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công đã nêu về trường hợp của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, với gần 500 công nhân làm việc tại nhà máy. Doanh nghiệp này bị các doanh nghiệp ngoại dùng chính sách đãi ngộ hấp dẫn để lôi kéo công nhân lành nghề và một số khác cũng đang có ý định xin nghỉ để chuyển sang. Để giải quyết vấn đề này, CEO và đại diện công đoàn, nhân sự đã họp gấp.
Tuy nhiên, tại cuộc họp đó, những giải pháp cấp bách mà CEO đưa ra lại không được sự đồng thuận của đại diện công đoàn và nhân sự. CEO cho rằng, không tăng lương cho công nhân mà tập trung vào việc tăng phúc lợi như: ăn trưa, xe đưa đón, bảo hộ lao động, trường học cho con cái họ… Trong khi đó, phía công đoàn và nhân sự yêu cầu CEO phải tăng lương cho công nhân bằng với các doanh nghiệp ngoại.
Bà Trần Thu Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Luxcas Việt trong vai trò là CEO của doanh nghiệp tuần này |
Sau cuộc họp gay cấn này, thông tin được lan truyền trên các trang mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm, với nhiều quan điểm trái chiều.
Bạn Nguyễn Đức Anh (Hải Phòng) cho rằng, CEO kiên quyết không tăng lương mà tăng phúc lợi để không làm phá vỡ cấu trúc lương nhưng, giải pháp đó chưa hợp lý. “Tôi thấy CEO xử lý tình huống còn bối rối và quá bản năng. Riêng bên công đoàn và bộ phận nhân sự thì quá quyết liệt với giải pháp tăng lương mà họ đưa ra. Theo tôi, trong trường hợp này thì nên tăng lương trong ngắn hạn, dựa trên đánh giá công việc. Dài hạn phải tăng phúc lợi xã hội nhưng phải đưa trên nhu cầu tâm lý của phần lớn công nhân”, bạn Đức Anh nói.
Anh Lê Đức Minh (TP.HCM) cũng không ủng hộ CEO. “Nếu công nhân đã muốn tăng lương thì CEO yêu cầu phải tăng năng suất mạnh lên. Trước mắt phải nêu rõ chiến lược của công ty cho họ biết, cam kết bình ổn lương theo thị trường cạnh tranh. Bảo vệ quyền lợi lao động và đầu ra của công ty. Sa thải thẳng tay những thành phần gây mất trật tự”, anh Minh nêu quan điểm.
Trong khi đó, một số người lao động có tay nghề, sau khi theo dõi tình hình thì thấy cách đưa ra giải pháp của CEO giống như kiểu bất cần không quan tâm tới người lao động.
“Người lao động đang cống hiến sức lao động cho công ty. Là lãnh đạo thì cần phải hiểu cuộc sống của người lao động khó khăn như thế nào”, một công nhân nêu quan điểm.
Đối thủ tăng lương được thì công ty này cũng tăng được, họ trả lương cao mà họ vẫn có lợi nhuận. Tại sao năng suất lao động tại các nhà máy chưa cao để bù cho tiền lương và lợi nhuận của công ty, hay cần bổ sung máy móc, thiết bị mới, hay do tay nghề của công nhân không phù hợp với nhu cầu thực tế. Đó là hàng loạt câu hỏi mà CEO cần trả lời khi đưa ra giải pháp liên quan đến chính sách đãi ngộ nhân sự.
Hai chuyên gia của Chương trình CEO – Chìa khóa thành công, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc quản lý chiến lược Tập đoàn FPT và bà Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân sẽ gặp CEO cuối tuần này để phân tích kỹ tình huống, giúp CEO có quyết sách tạo sự đồng thuận hơn.