Y tế - Sức khỏe
Số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM cao kỷ lục, giải pháp nào ứng phó?
D.Ngân - 18/06/2021 21:09
Với 149 ca mắc trong ngày, TP. HCM đã lập kỷ lục về số ca Covid-19 cao nhất/ ngày tại Thành phố từ đầu mùa dịch tới nay.

Tối 18/6, Bộ Y tế cho hay 59 ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận tại TP.HCM (30), Bắc Giang (19), Bắc Ninh (6), Hà Tĩnh (3), Hòa Bình (1). 

Với 149 ca mắc trong ngày, TP.HCM đã lập kỷ lục về số ca Covid-19 cao nhất/ ngày trong 4 làn sóng dich.

Trong đó, 46 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc địa điểm đã được phong tỏa. TP.HCM: 30 bệnh nhân đều là F1 và có kết quả xét nghiệm ngày 17-18/6 dương tính với SARS-CoV-2.

Bắc Giang: 19 ca ghi nhận trong khu cách ly và địa điểm đã được phong tỏa, liên quan công nhân làm tại khu công nghiệp.

Hòa Bình: Nữ bệnh nhân 24 tuổi trú tại huyện Cao Phong. Người này liên quan khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) và đã được cách ly trước đó.

Bắc Ninh: 2 ổ dịch ghi nhận thêm ca mắc mới là khu công nghiệp Khắc Niệm (2), khu công nghiệp Quế Võ (4). Hà Tĩnh: 3 ca là F1, đã được cách ly.

Như vậy, trong ngày 18/6, Việt Nam ghi nhận thêm 259 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (149), Bắc Giang (76), Bắc Ninh (16), Bình Dương (12), Hà Tĩnh (3), Hòa Bình (2), Lào Cai (1). Riêng TP.HCM, đây là ngày có số bệnh nhân mới cao nhất từ trước đến nay.

Việt Nam hiện có tổng cộng 10.742 ca ghi nhận trong nước và 1.672 bệnh nhân nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 9.172, trong đó, 1.938 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Để kiểm soát dịch Covid-19 tại TP.HCM, PGS. TS.Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) đề xuất các giải pháp như khi số F1 tăng chóng mặt, đó là gánh nặng cho ngành Y tế và áp lực với kinh tế, người dân.

Khi ấy theo chuyên gia, TP.HCM nên triển khai cách ly F1 tại nhà, hạn chế lây nhiễm chéo, giúp giảm gánh nặng ngân sách, nhân lực. Về phía F1, họ sẽ được đảm bảo tâm lý và lây nhiễm chéo.

Tuy nhiên, vị chuyên gia khuyến cáo quá trình thực hiện cần giám sát kỹ, đảm bảo không lây nhiễm sang người khác. Bên cạnh đó, không phải tất cả F1 đều được cách ly tại nhà. F1 cần được phân loại rất kỹ. Những người tiếp xúc rất gần và có nguy cơ cao vẫn phải cách ly tập trung. Người tiếp xúc ở khoảng cách xa có thể cách ly tại nhà.

Bên cạnh đó, PGS. Nguyễn Viết Nhung cho rằng TP.HCM có thể cân nhắc cho phép người dân tự lấy mẫu, tự xét nghiệm. Trong đó, các kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc nếu được phép. Người dân khi cảm thấy nghi ngờ, không yên tâm có thể tự xét nghiệm sàng lọc cho mình.

Theo PGS Nhung, nếu cách ly F1 tại nhà phát huy hiệu quả, F0 cũng có thể điều trị tại nhà. Hiện tại, 70-80% bệnh nhân Covid-19 nhẹ hoặc không triệu chứng. Do đó, chúng ta có thể phân tán F0.

"Với những gia đình đủ điều kiện, TP.HCM có thể cho phép những bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng điều trị tại nhà. Ngoài ra, F0 có thể điều trị tại khách sạn, resort và kết nối chặt chẽ với bệnh viện. Điều này giúp giảm tải áp lực, tránh lây nhiễm chéo và thoải mái tâm lý cho người bệnh", Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nêu.

Về ca bệnh Covid-19, chiều ngày 18/6, Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo về ca tử vong số 62 là bệnh nhân 8217, nữ, 71 tuổi, có địa chỉ tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. 

Bệnh nhân có tiền sử mắc lao phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 đã hơn 10 năm. Ngày 2/6, bệnh nhân nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, cùng con gái và cháu ngoại, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. 

Bệnh nhân được đưa vào điều trị tại Trung tâm Y tế Bến Cầu trong tình trạng mệt, tiếp xúc chậm, đau tức ngực, với chẩn đoán: Viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển.

Ngày 11/6, bệnh nhân được can thiệp đặt nội khí quản, thở máy, hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện. Tuy nhiên, do tình trạng nhiễm trùng tiến triển nhanh, tình trạng suy hô hấp nặng lên trên bệnh lý nền nặng nên bệnh nhân đáp ứng điều trị rất kém, bệnh nhân tử vong ngày 14/6.

Bệnh nhân tử vong với chẩn đoán viêm phổi do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn trên bệnh lao phổi cũ, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2.

Tin liên quan
Tin khác