Thị trường Hà Nam tuy hấp dẫn nhưng vẫn có điểm cần lưu ý
Sức nóng của thị trường bất động sản đang ngày càng lan rộng. Theo Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam, trong quý II/2024, số lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng đạt 4.314 giao dịch, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị giao dịch cũng vì vậy mà tăng gấp đôi, lên tới 2.562 tỷ đồng.
Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi nhanh với anh Trần Mạnh Sơn, một nhà đầu tư lâu năm tại tỉnh Hà Nam, để tìm hiểu thêm về diễn biến thị trường. Theo đó, những con số tăng vọt được nêu trong báo cáo mới đây không phải là một điều bất ngờ.
Khu vực Phủ Lý, Kim Bảng được nhà đầu tư đánh giá cao. Ảnh: Nguyễn Đông Sơn |
“Sau Tết Nguyên đán, lượng người tìm mua bất động sản tại Hà Nam đã tăng mạnh, bao gồm cả những người mua ở thực và dân đầu tư. Nhìn chung, tâm lý thị trường đang đi lên rất nhiều”, anh Trần Mạnh Sơn nhận định.
Riêng phân khúc đất nền, nhà đầu tư này cho biết, khu vực Phủ Lý, Kim Bảng đang thu hút lượng lớn khách hàng quan tâm. Nguyên nhân là bởi nhiều dự án lớn du lịch, nghỉ dưỡng, khu công nghiệp đang tọa lạc tại khu vực này.
“Giá đất nền phân lô tại đây dao động khoảng 20 - 40 triệu đồng/m2. Con số này gần như không thay đổi so với năm ngoái. Bên cạnh đó, phân khúc đất thổ cư cũng đang rất ‘nóng’ ở thời điểm hiện tại. Mức giá của dòng sản phẩm này tương đối đa dạng, có thể khởi điểm chỉ từ 2 triệu đồng/m2”, anh Sơn chia sẻ.
Theo chia sẻ của một số môi giới viên tại huyện Kim Bảng, những thửa đất thổ cư có ngõ rộng khoảng 4 m sẽ có giá dưới 10 triệu đồng/m2. Những lô có ngõ rộng hơn, hai ô tô tránh nhau, sẽ có giá khoảng 20 triệu đồng/m2.
Với những mảnh đất nằm ngay trên trục đường quốc lộ, mức giá có thể lên tới hơn 50 triệu đồng/m2. Những con số trên chỉ mang tính chất tham khảo, số tiền có thể sẽ thay đổi tùy theo hiện trạng của mảnh đất.
Đáng chú ý, anh Trần Mạnh Sơn cho biết, các tấm sổ đỏ tại tỉnh Hà Nam có một điểm khác biệt so với những địa phương khác. Nếu người mua không để ý, đây có thể sẽ là nguyên nhân gây ra các tranh chấp pháp lý sau này.
“Sổ đỏ ở tỉnh Hà Nam không thể hiện đường đi qua bất động sản. Người mua sẽ phải điều tra trích lục bản đồ địa chính để xem thông tin chính xác. Không ít người đã mua phải đất xen kẹt vì lý do này. Lúc đầu, họ cứ ngỡ đây là ngõ chung nhưng thực chất chỉ là đất của nhà hàng xóm”, anh Sơn cho biết.
Điểm danh một số dự án mới
Báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam cho biết, trong quý II/2024, lãnh đạo địa phương đã cấp phép xây dựng hai dự án, bao gồm khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại xã Liêm Chung, xã Liêm Tiết (TP. Phủ Lý) và khu đô thị mới tại thị trấn Tân Thanh (huyện Thanh Liêm).
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có thêm một dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là khu trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở, thuộc khu đô thị Bắc Châu Giang (TP. Phủ Lý). Còn trong hiện tại, chưa có dự án nào được hoàn thành trong quý II/2024.
Về phân khúc nhà ở xã hội, tỉnh Hà Nam đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho một dự án trong quý vừa qua. Công trình này nằm trên địa bàn các xã Đồng Hoá, Nhật Tân, Đại Cương (huyện Kim Bảng). Còn xét từ trước đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 6 dự án nhà ở xã hội.
Ngoài ra, một số dự án nhà ở xã hội khác cũng đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị thủ tục để thu hút đầu tư, chẳng hạn như dự án tại tại phường Duy Minh và phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên.
Trong báo cáo, Sở cũng đã nêu ra những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản trong quá trình phát triển dự án tại địa phương. Điểm đặc biệt là các thông tin được đưa ra trong quý II gần như tương đồng so với quý I. Điều đó cho thấy, trong ít nhất nửa năm qua, những vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải vẫn chưa được xử lý triệt để. Cụ thể như sau:
Về công tác giải phóng mặt bằng, đa số các dự án gặp khó khăn, do người dân có đất trong phạm vi dự án không nhận tiền bồi thường, đòi hỏi mức giá bồi thường cao hơn quy định. Một số dự án lại gặp khó trong việc di chuyển mộ.
Thêm vào đó, các đơn vị còn gặp vấn đề về nguồn vốn nên tiến độ thực hiện các dự án bị chậm so với được duyệt.
Về chính sách pháp luật, doanh nghiệp vẫn “đau đầu” trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý (điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án…); thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai (xác định quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội…); về tính tiền sử dụng đất các dự án…