Theo đó, HOSE đã gửi văn bản tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đề nghị cơ quan này phối hợp và hỗ trợ để SHB chuyển sàn như nguyện vọng của ngân hàng.
Trước đó, vào ngày 18/9/2020, HOSE đã nhận được hồ sơ niêm yết lần đầu của SHB. Tuy nhiên, quá trình chỉnh sửa bổ sung hồ sơ đã kéo dài qua năm 2021 sau khi ngân hàng hoàn tất thủ tục pháp lý cho đợt tăng vốn hồi tháng 3.
Đến ngày 20/4/2021, HOSE cho biết hồ sơ đăng ký niêm yết của SHB đã phù hợp theo quy định và việc cấp quyết định niêm yết chính thức sẽ có sau khi có hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền về việc chuyển niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE.
Nhưng tại thời điểm đó, HOSE xảy ra tình trạng quá tải, nghẽn lệnh, do đó, không riêng SHB mà nhiều cổ phiếu khác được HOSE chấp thuận chuyển niêm yết đã phải tạm thời giao dịch trên HNX để xử lý tình trạng này.
Đầu tháng 7, HOSE đã chính thức áp dụng hệ thống phần mềm do Công ty cổ phần FPT xây dựng, xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh đã kéo dài nhiều tháng.
Vào trung tuần tháng 8 vừa qua, SHB đã thực hiện tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% nhằm thực hiện phương án chào bán, phát hành chứng khoán đã được ĐHĐCĐ năm 2021 thông qua.
Hiện ngoài SHB, có thêm 2 mã cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên sàn HNX là BAB của BacA Bank và NVB của Ngân hàng Quốc Dân.
Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, SHB đạt 3.095 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 86,5% so với cùng kỳ, hoàn thành hơn 50% so với kế hoạch cả năm. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 24,3%.
Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của SHB đạt 458 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm đầu năm và hoàn thành đến 99,5% kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra. Vốn tự có đạt 40.425 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 19.260 tỷ đồng.
Ngày 25/8 vừa qua, SHB đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty tài chính trực thuộc - SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản.
SHB cho biết, thỏa thuận chuyển nhượng SHB Finance sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB. Tuy nhiên, giá trị thương vụ chưa được công bố.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ lần thứ 29 tổ chức hồi giữa tháng 4, cổ đông SHB đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó thông qua kế hoạch kinh doanh bứt phá với 2 kịch bản kế hoạch lợi nhuận trong đó xác định mục tiêu tăng trưởng ít nhất 78% trong năm 2021; kế hoạch chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10,5%…
Cũng trong năm nay, SHB sẽ tăng vốn từ việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:28, giá chào bán dự kiến 12.500 đồng/cổ phiếu – chưa bằng một nửa giá hiện tại của cổ phiếu SHB trên thị trường chứng khoán.
Điều này sẽ giúp gia tăng lợi ích cổ đông, đồng thời SHB cũng có thêm thặng dư vốn. Kế hoạch năm 2021, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng mạnh lên hơn 26.674 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu SHB đang giao dịch trên sàn HNX ở mức 26.100 đồng/cổ phiếu đóng phiên ngày 16/9, giảm nhẹ trong một tuần qua. Tuy nhiên, giá cổ hiếu SHB đã có sự bứt phá mạnh trong 1 năm qua, với mức tăng trên 80%.