Tính đến chiều ngày 12/9, toàn TP. Hà Nội có 236 trường học không tổ chức học trực tiếp do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão Yagi; trong đó có nhiều trường, nhiều tuyến đường vẫn ngập sâu trong nước.
Học sinh Thủ đô bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là khu vực huyện Mỹ Đức và Ứng Hoà.
TP. Hà Nội có 236 trường học không tổ chức học trực tiếp do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão Yagi; trong đó có nhiều trường, nhiều tuyến đường vẫn ngập sâu trong nước. |
Chiều 12/9, đoàn công tác của HĐND TP, Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở LĐTB&XH do Phó chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội, bà Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà hỗ trợ học sinh, giáo viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại 2 địa phương này.
Những phần quà ý nghĩa, thiết thực gồm áo phao, bánh kẹo, đồ dùng học tập, sách, vở, bút… giúp các học sinh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ có đủ điều kiện tiếp tục đi học.
Tại huyện Mỹ Đức, đoàn công tác trực tiếp thăm, tặng quà học sinh, giáo viên Trường Tiểu học Hợp Thanh B; đồng thời gửi quà tặng và lời thăm hỏi, động viên đến thầy trò 3 trường cũng đang chịu cảnh úng ngập, gồm: Mầm non An Phú B, Tiểu học An Phú, Mầm non Hợp Thanh.
Đoàn tặng quà đến các thầy cô giáo bị ảnh hưởng nặng nề sau siêu bão Yagi. |
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thanh B, huyện Mỹ Đức, bà Nguyễn Thị Như Hoa cho biết: Toàn trường có 35 cán bộ giáo viên, 683 học sinh; trong đó có 183 học sinh thôn Phú Hiền, là địa bàn đang chịu úng ngập nặng nề. Trước và bão, nhà trường tập trung cán bộ giáo viên phối hợp các lực lượng dọn dẹp, vệ sinh môi trường, bảo đảm cơ sở vật chất để đón học sinh trở lại trường vào ngày 9/9.
Ngày 10/9, nhận được thông tin phản ánh của phụ huynh về việc thôn Phú Hiền có một số hộ bị ngập úng, có nhà nước ngập sâu ngang bụng, nhà trường đã rà soát, họp Ban giám hiệu, xây dựng kịch bản “3 tại chỗ” đối với các học sinh có nhu cầu, gồm “nấu, ăn, ngủ tại chỗ”.
Sáng 12/9, thôn Phú Hiền bị tràn đê, trường tiếp tục họp đưa ra phương án để toàn bộ học sinh của thôn học 2 buổi/ngày, ăn bán trú. Nhà trường cử nhân viên mua thực phẩm, bát thìa, nấu nướng tại trường. Trưa 12/9, đã cung cấp gần 100 suất ăn cho học sinh, giao Đoàn thanh niên chăm sóc bán trú chu đáo cho các em.
Cũng trong ngày 12/9, có hơn 10 phụ huynh đăng ký cho con ngủ tại trường vì nhà ngập sâu trong nước. Với các học sinh này, nhà trường sẽ bố trí nơi ăn, chốn ngủ với đầy đủ chăn màn; chăm sóc cho các em ăn tối, ăn sáng, tắm rửa tại trường, giúp phụ huynh yên tâm.
Thời gian tới, nếu lũ tiếp tục lên cao, nhà trường sẽ vận động phụ huynh cho con em về trường thực hiện "3 tại chỗ" để bảo đảm an toàn; đồng thời mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành để các em có đủ điều kiện học tập.
Tại huyện Ứng Hoà, đoàn công tác đến thăm, tặng quà học sinh và thầy cô Trường Tiểu học Vạn Thái. Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, Trường Tiểu học Vạn Thái có gần 1.000 học sinh, trong đó 368 học sinh học ở điểm trường lẻ đang bị ngập úng. Với sự quan tâm của lãnh đạo UBND huyện Ứng Hoà, UBND xã Vạn Thái, các em đã được chuyển về điểm trường chính và học trực tiếp 100%.
Những tấm lòng được trao đi như tiếp thêm sức mạnh cho cô và trò bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão lũ. |
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết, 100% đơn vị thực hiện nghiêm việc trực và bảo vệ. Ngay sau cơn bão số 3 đi qua, các nhà trường đã khẩn trương rà soát, sửa chữa, khắc phục thiệt hại để tổ chức dạy học an toàn. Hôm nay, toàn huyện có 4 trong tổng số 90 trường nghỉ học, ngoài ra có 1 trường dạy học trực tuyến. Trường Tiểu học Vạn Thái có một điểm lẻ nằm ở địa bàn vùng trũng bị ngập nước nên toàn bộ học sinh được di dời ra điểm chính để học.
Các trường đang khẩn trương tổng vệ sinh, rà soát các điều kiện cần thiết để ngày mai (13/9), 100% trường đều tổ chức đón học sinh trở lại bình thường.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, với những khu vực ngập sâu, ngập úng kéo dài như các huyện Chương Mỹ, Ứng Hoà, Thường Tín, Quốc Oai..., thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Sở đã yêu cầu các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng nhà trường xây dựng kế hoạch dài hơi trên tinh thần linh hoạt phương thức dạy học, phù hợp với tình hình cụ thể của từng trường, từng địa bàn, gồm: trực tuyến, trực tiếp, trực tuyến kết hợp trực tiếp hoặc giao bài tập, giao nhiệm vụ cho học sinh.