Đầu tư
Sóc Trăng triển khai quy hoạch, hiện thực hóa khát vọng phát triển
Trúc Giang - 14/10/2023 18:15
Sóc Trăng có kế hoạch và những bước đi cụ thể; xác định thứ tự ưu tiên để phân bổ nguồn lực hợp lý nhằm thực hiện thành công các mục tiêu theo quy hoạch được duyệt.
Sóc Trăng chủ động triển khai quy hoạch nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển.

Đầu tư nhiều dự án chiến lược

Vào đầu tuần này, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được xem là kim chỉ nam, là công cụ quan trọng trong quản lý và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đặc biệt, Quy hoạch đã xác định nghiên cứu, đầu tư phát triển nhiều công trình, dự án chiến lược trên địa bàn tỉnh mang tính lan tỏa, tạo động lực phát triển không chỉ cho tỉnh Sóc Trăng mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, trọng tâm là hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển; các hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch…

Dự án tạo điểm nhấn đầu tiên phải kể đến là cảng biển Trần Đề.

Quy hoạch xác định đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển khu bến cảng biển Trần Đề phù hợp với năng lực của nhà đầu tư và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành cảng biển đặc biệt theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Có kế hoạch và những bước đi cụ thể; xác định thứ tự ưu tiên để phân bổ nguồn lực hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng theo Quy hoạch được phê duyệt.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

Hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh Sóc Trăng được định hướng phát triển theo hướng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng. Cụ thể, đối với hệ thống đường bộ quốc gia, theo Quy hoạch, có nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; Quốc lộ 1; Quốc lộ 60; Quốc lộ 61B; Quốc lộ 91B (đường Nam Sông Hậu); Đường Quản Lộ - Phụng Hiệp; Đường bộ ven biển.

Đối với các tuyến đường tỉnh, phấn đấu tối thiểu đạt cấp III đồng bằng, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh.

Đặc biệt, về hàng không, sẽ nghiên cứu phát triển sân bay chuyên dùng có tiềm năng tại Trần Đề để phục vụ nhu cầu bay cá nhân, du lịch, cứu hộ, cứu nạn.

Nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả cảng biển nước sâu Trần Đề khi được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định nghiên cứu thành lập Khu kinh tế ven biển Trần Đề dọc theo cửa biển Trần Đề và vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, quy mô dự kiến khoảng 40.000 ha, với định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thành lập mới 3 khu công nghiệp (KCN) và mở rộng 1 KCN; nghiên cứu phát triển, thành lập mới 5 KCN và mở rộng 1 KCN khi tỉnh được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Về thương mại, dịch vụ, sẽ phát triển trung tâm logistics tại huyện Trần Đề và TP. Sóc Trăng nhằm gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong và ngoài nước. Phát triển trung tâm đầu mối ở Trần Đề gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển.

Về du lịch, nghiên cứu xây dựng các khu sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, thể dục thể thao, đô thị; trong đó, có những công trình, dự án có điểm nhấn như kết hợp sân gôn, đô thị biển, cáp treo…

Chủ động triển khai quy hoạch

Theo ông Lâm Hoàng Nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng, nhằm chủ động, nhanh chóng đưa quy hoạch vào thực hiện, tỉnh Sóc Trăng định hướng triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tỉnh đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.

Trên cơ sở nội dung quy hoạch, các cấp, các ngành, các địa phương phối hợp tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tính liên kết, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng, an ninh...

Tỉnh khẩn trương rà soát, phê duyệt, điều chỉnh các quy hoạch ngành, nhất là quy hoạch về đất đai, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch mang tính kỹ thuật - chuyên ngành, nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất về cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

Đồng thời, chủ động nghiên cứu, khảo sát đề xuất sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển cho từng thời kỳ, với tinh thần phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp nhấn mạnh: “Sóc Trăng tập trung thực hiện tốt 3 đột phá phát triển. Trong đó, về đầu tư kết cấu hạ tầng sẽ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình kết cấu hạ tầng có tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án quan trọng, như hạ tầng giao thông cảng biển, các khu - cụm công nghiệp, các hạ tầng phục vụ sản xuất - chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, công nghiệp phụ trợ, du lịch…

Tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Phát triển nguồn nhân lực, gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành tiềm năng, tạo đột phá phát triển”.

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các phương án phát triển, gắn với 3 trụ cột kinh tế gồm công nghiệp chế biến, nông nghiệp - thủy sản, dịch vụ - du lịch và khai thác các ngành kinh tế tiềm năng khác, như: năng lượng, cảng biển, logistics, đô thị, chuyển đổi số...

Phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống y tế…cũng là những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Sóc Trăng quan tâm thực hiện.

Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng sẽ tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ liên kết vùng, phối hợp tốt với các địa phương trong vùng ĐBSCL thực hiện các chương trình, dự án cấp quốc gia, cấp vùng có liên quan trên địa bàn tỉnh.

Sớm đầu tư cảng biển Trần Đề

Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Sóc Trăng hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển về kinh tế - xã hội, nhất là về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và ven biển…

Bên cạnh kết quả đạt được, mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng thời gian qua Sóc Trăng vẫn còn có nhiều khó khăn, thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Trong khi đó, mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh là đến năm 2030, phấn đấu đưa Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tỉnh Sóc Trăng cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với thực hiện các Nghị quyết của Trung ương.

Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, định kỳ rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quy hoạch.

Phó Thủ tướng cho rằng, để triển khai thực hiện thành công quy hoạch, đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh.

Tỉnh cần làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Nhằm sớm cụ thể hóa quy hoạch của tỉnh là đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng, Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Sóc Trăng phối hợp Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề giúp đồng bộ hóa hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng…

Tin liên quan
Tin khác