Trong UKVFTA, ngoài gạo, Anh còn cam kết bổ sung về lượng TRQ đối với hơn 10 mặt hàng khác như trứng, tỏi, ngô ngọt, tinh bột sắn... |
Trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), Vương quốc Anh (UK) cam kết dành hạn ngạch thuế quan (TRQ) cho Việt Nam đối với 14 mặt hàng.
Đó là: Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm; tỏi; ngô ngọt; gạo đã xát; gạo đã xay; gạo đã xay đáp ứng yêu cầu đúng chủng loại; tinh bột sắn; cá ngừ; surimi; đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao; đường đặc biệt; nấm; ethanol; Mannitol, Sorbitol, Dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác.
Hiệp định UKVFTA về cơ bản kế thừa các cam kết cắt giảm và xóa bỏ thuế quan của Việt Nam và UK trong EVFTA, với lộ trình cắt giảm/xóa bỏ thuế quan được tiếp tục kế thừa.
Theo đó, đối với các dòng thuế mà EU đã cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%, Anh dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch đối với các mặt hàng này trên cơ sở số liệu thống kê của EU về trao đổi thương mại song phương thực tế giữa Việt Nam và Anh trong giai đoạn 2014 – 2016.
Lượng TRQ mà Anh dành cho Việt Nam như sau:
Mặt hàng | Hạn ngạch EU dành cho Việt Nam (tấn) | Hạn ngạch Anh dành cho Việt Nam (tấn) | Tổng lượng hạn ngạch mới của EU và Anh dành cho Việt Nam (tấn) |
Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm | 500 | 68 | 568 |
Tỏi | 400 | 54 | 454 |
Ngô ngọt | 5.000 | 681 | 5.681 |
Gạo đã xát | 20.000 | 3.356 | 23.356 |
Gạo đã xay | 30.000 | 5.001 | 35.001 |
Gạo đã xay đáp ứng yêu cầu đúng chủng loại | 30.000 | 5.001 | 35.001 |
Tinh bột sắn | 30.000 | 12.215 | 42.215 |
Cá ngừ | 11.500 | 1.566 | 13.066 |
Surimi | 500 | 68 | 568 |
Đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao | 20.000 | 2.724 | 22.724 |
Đường đặc biệt | 400 | 54 | 454 |
Nấm | 350 | 48 | 398 |
Ethanol | 1.000 | 136 | 1.136 |
Mannitol, Sorbitol, Dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác | 2.000 | 272 | 2.272 |
Ngoài ra, UK còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng TRQ đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Đây cũng sẽ là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường này.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, với những cam kết từ Hiệp định UKVFTA Anh là thị trường xuất khẩu gạo rất tiềm năng cho Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Anh đã có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng kim ngạch lên đến 376% so với năm 2018. Với những cơ hội mang lại từ Hiệp định này, gạo xuất xứ từ Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ
Như vậy, có thể nói các cam kết thương mại hàng hóa của UK đã được kế thừa toàn bộ và đem lại lợi ích bổ sung về lượng TRQ đối với 14 mặt hàng được hưởng ưu đãi. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi UK là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng các mặt hàng ta được hưởng ưu đãi TRQ (ví dụ như gạo, tinh bột sắn, surimi).