Sức khỏe doanh nghiệp
Soi động thái Kido Foods mua cổ phiếu quỹ
Chí Tín - 29/10/2019 10:31
Việc Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods, mã KDF, sàn UPCoM) thực hiện mua 2,5 triệu cổ phiếu quỹ cho thấy Công ty đang khá “rủng rỉnh” tiền, nhưng không phải không có nguy cơ “bí” vốn.
Kido Foods mua 2,5 triệu cổ phiếu quỹ cho thấy Công ty đang khá “rủng rỉnh” tiền.

Mua 2,5 triệu cổ phiếu quỹ

Đợt mua vào cổ phiếu quỹ lần này của Kido Foods dự kiến kéo dài đến ngày 21/11/2019, thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc giao dịch thỏa thuận, với tổng khối lượng tối đa là 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,46% tổng số cổ phần đang lưu hành. Nguyên tắc xác định giá thực hiện theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch, đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhưng không quá 40.000 đồng/cổ phiếu.

Việc mua vào cổ phiếu quỹ thường là một tín hiệu tạo tâm lý phấn khởi cho cổ đông, bởi hơn ai hết, họ là chủ thể nắm được thực trạng sức khỏe của doanh nghiệp và xét về bài toán kinh tế, họ phải đánh giá được việc mua vào tại mức giá hiện tại là có lợi. Theo đó, doanh nghiệp khi thực hiện mua cổ phiếu dễ tạo hiệu ứng thu hút các nhà đầu tư khác mua theo, từ đó tạo ra sức cầu tốt cho cổ phiếu trong giai đoạn doanh nghiệp thực hiện mua vào.

Doanh nghiệp mua vào cổ phiếu cũng cho thấy, họ đang có nguồn lực tài chính mạnh. Với Kido Foods, theo báo cáo tài chính quý III/2019, Công ty có lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền là 65,3 tỷ đồng, tăng 44,8% so với đầu năm. Ngoài ra, Công ty còn phát sinh thêm khoản đầu tư tài chính dài hạn trị giá 45 tỷ đồng (đầu năm 2019 chưa có).

Ngoài ra, bức tranh tài chính của Kido Foods cho thấy, Công ty trong giai đoạn khá “nhẹ nhàng” trước các khoản nợ, bởi tỷ lệ nợ của doanh nghiệp này ở mức khá thấp, chỉ bằng khoảng 44,8% so với vốn chủ sở hữu và bằng 30,9% so với tổng tài sản.

Tiếp tục gia tăng tích lũy

Sức khỏe tài chính của Kido Foods phần nào còn được thể hiện ở tình hình kinh doanh có chiều hướng “thuận buồm xuôi gió”. Sự gia tăng mạnh lợi nhuận sau thuế giúp Công ty tiếp tục gia tăng tích lũy. Theo đó, vốn chủ sở hữu được tích lũy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 62,9 tỷ đồng, đưa lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 30/9/2019 đạt tới 171,4 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý III/2019, doanh thu thuần của Kido Foods đạt 391 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.157 tỷ đồng, tăng khoảng 10%. Lợi nhuận sau thuế đạt 48,8 tỷ đồng, tăng đột biến so với chỉ hơn 800 triệu đồng của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 141 tỷ đồng, tăng 206,5% so với cùng kỳ.

Tuy sự tăng vọt lợi nhuận kèm theo động thái vung tiền mua cổ phiếu có thể coi là những tín hiệu tích cực, nhưng bức tranh kinh doanh của Kido Foods vẫn có những ẩn số. Ngay trong nội dung về sự tăng vọt lợi nhuận quá bất thường, ông Trần Quốc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty cũng không đưa ra các yếu tố rõ ràng trong văn bản giải trình cổ đông, mà chỉ cho biết khá chung chung rằng, do tổ chức hợp lý, tập trung vào những sản phẩm có hiệu quả kinh doanh cao.

Ngoài ra, việc mua cổ phiếu quỹ của Kido Foods nếu thực hiện theo đúng mức giá tối đa (40.000 đồng/cổ phiếu) và khối lượng tối đa (2,5 triệu cổ phiếu) theo kế hoạch, thì số tiền mà Công ty phải bỏ ra lên tới 100 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền (tương đương tiền) mà Công ty đầu tư tài chính ngắn hạn đang là 110,3 tỷ đồng, nếu chi 100 tỷ đồng cho cổ phiếu quỹ, thì số tiền còn lại để đáp ứng các nhu cầu thanh khoản ngắn hạn là quá ít.

Trong trường hợp vì lý do nào đó để giải quyết thanh khoản, thì Công ty buộc phải bán ra cổ phiếu quỹ. Việc mua vào rồi sau đó bán ra thường không mấy khi nhận được thiện cảm của nhà đầu tư. Bởi lẽ, việc mua bán đó nếu thâm hụt do thị trường đi xuống, đương nhiên lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hiệu quả quản lý tài chính. Trong khi đó, một số doanh nghiệp từng “lỡ” có thặng dư từ hoạt động này đã bị nhà đầu tư lên án rằng, doanh nghiệp “đang buôn trên lưng” của chính cổ đông.

Nhà Đà Nẵng bị thâm hụt vốn khi mua bán 1 triệu cổ phiếu quỹ

Một trong những doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ, sau đó phải bán dẫn đến thâm hụt vốn là Công ty Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN, sàn HNX). Cụ thể, từ ngày 17/4 đến 14/5/2018, Công ty mua 1 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ với giá giao dịch bình quân 17.730 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, doanh nghiệp bán ra cổ phiếu này với chỉ 16.119 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác