Tại Đại hội cổ đông 2016 của Sợi Thế Kỷ tổ chức ngày 28/3 vừa qua, vấn đề chuẩn bị cho Hiệp định TPP của doanh nghiệp này được khá nhiều cổ đông quan tâm. Là DN hoạt động trong ngành nguyên liệu dệt may, Sợi Thế Kỷ được dự đoán sẽ hưởng lợi lớn nhờ nguyên tắc “từ sợi trở đi” của TPP và quy trình giảm thuế ngành dệt may của các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và EU. Ngoài ra, việc các DN FDI dệt may gấp rút chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam nhằm “đón đầu” TPP, khiến nhu cầu nguyên liệu nội địa tăng cao cũng là cơ hội tốt cho Sợi Thế Kỷ.
. |
Hiểu rõ điều này, đại diện Công ty cho biết Sợi Thế Kỷ đã gấp rút đầu tư trong năm vừa qua và sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất năm nay để chuẩn bị tốt nhất cho cơ hội này. Cụ thể, dự án nhà máy Trảng Bàng 3 với tổng vốn đầu tư 751 tỷ đồng đã đi vào hoạt động từ tháng 9/2015 với công suất 7.500 tấn/ năm. Trong năm 2016, Sợi Thế Kỷ sẽ tiếp tục rót 274 tỷ đồng vào dự án Trảng Bàng 4, nâng công suất hàng năm lên 8.000 tấn. Khi khai trương nhà máy Trảng Bàng 4 vào quý 1/2017, tổng công suất của Công ty dự kiến sẽ lên đến 60.000 tấn/ năm.
Theo ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Sợi Thế Kỷ, từ sau Tết Công ty đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu sợi đến từ các thị trường Thái Lan, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng sản lượng quý 1/2016 đạt gần 10.000 tấn và doanh thu từ đầu năm đến ngày 26/3/2016 đạt 323,5 tỷ đồng. Như vậy, so với mục tiêu 45.176 tấn sản lượng và 1.645 tỷ đồng doanh thu thuần mà Công ty đặt ra cho năm 2016, tính đến nay Sợi Thế Kỷ đã hoàn thành khoảng 22% kế hoạch sản lượng và 20% kế hoạch doanh thu của cả năm.
Ông Hòa cho biết sợi tái chế sẽ là sản phẩm chủ lực của Sợi Thế Kỷ trong những năm tới, nhằm đáp ứng yêu cầu của các thương hiệu thời trang lớn như Zara, Nike hay Adidas. Sợi tái chế có giá thành cao hơn 25% so với sợi nguyên thủy thường dùng trong dệt may, nhưng lại có đặc tính thân thiện với môi trường nên đang được nhiều hãng thời trang nước ngoài ưa chuộng.
Vì vậy, để thu hút đơn hàng của các “ông lớn” dệt may thế giới trong TPP, Sợi Thế Kỷ sẽ bắt đầu sản xuất sợi tái chế từ tháng 5/2016. Ông Hòa cho biết Công ty đã xuất thử nghiệm 50 tấn sợi tái chế đi nước ngoài và nhận được phản hồi khả quan.
“Trên toàn thế giới hiện nay chỉ có khoảng 10 công ty sản xuất sợi tái chế, trong đó có 2 DN tại Việt Nam là Formosa và Sợi Thế Kỷ. Ngoài ra, margin lợi nhuận cho loại sợi này cao hơn 30 cent/kg so với sợi nguyên thủy và không bị ảnh hưởng bởi giá dầu, vì sợi tái chế được sản xuất hoàn toàn từ vật liệu nhựa được tái chế. Đây chính là cơ hội lớn để mở rộng thị trường, và Sợi Thế Kỷ dự kiến sẽ ký hợp tác chiến lược với một công ty Mỹ để sản xuất loại sợi này,” ông Hòa cho biết.
Năm 2015, Sợi Thế Kỷ đạt 1.035 tỷ đồng doanh thu thuần và 71,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 29% và 33% so với cùng kỳ và chỉ đạt 61% kế hoạch doanh thu và 62% kế hoạch lãi ròng của cả năm. Với kết quả kinh doanh này, Sợi Thế Kỷ dự kiến chi cổ tức 2015 với tỷ lệ 15%, bao gồm 5% tiền mặt và 10% cổ phiếu.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm doanh thu trong năm 2015 được Công ty lý giải là do sản lượng và giá bán giảm, cộng thêm những bất lợi về tỷ giá. Ngoài ra, Công ty còn bị ảnh hưởng bởi làn sóng bán phá giá của các DN sợi Trung Quốc trên thị trường quốc tế và Việt Nam.