Doanh nghiệp
Sợi xuất khẩu trầy trật vì bị áp thuế chống bán phá giá
Thế Hoàng - 30/03/2017 19:12
Sợi xuất khẩu Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn do bị áp thuế chống bán phá giá cao tại một số thị trường xuất khẩu chính như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.

Hẹp đường xuất khẩu sang Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ

Ngay trong những ngày cuối tháng 3/2017, thêm một mặt hàng nữa là sản phẩm sợi “Elastomeric Filament Yarn” đã bị Tổng vụ Chống bán phá giá, chống trợ cấp Ấn Độ (DGAD) chính thức áp thuế lên tới 35-45%.

Được biết, vụ việc được khởi xướng điều tra từ ngày 27/1/2016, trong đó, sản phẩm bị điều tra là mặt hàng sợi spandex có mã HS: 5404 11 00; 5402 44 00 và 5402 69 90 do Công ty Indorama Industries Ltd có đơn yêu cầu điều tra giai đoạn phá giá từ 1/10/2014 - 30/9/2015. Giai đoạn được xem xét thiệt hại là từ tháng 4/2011-3/2015 và cả giai đoạn điều tra phá giá.

DGAD xác định, đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đã tham gia nộp trả lời bản câu hỏi, hợp tác đầy đủ, biên độ bán phá giá: 1 - 10%.

Sợi xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp dính phải các vụ kiện chống bán phá giá và áp thuế cao tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.

Đối với các doanh nghiệp khác không hợp tác đầy đủ trong vụ việc điều tra, DGAD tính toán biên độ phá giá dựa trên những thông tin có sẵn (Facts Available Basis), biên độ phá giá: 35 - 45%.

Mặt khác, DGAD cũng cho rằng sản phẩm bị điều tra bán phá giá đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Trong quyết định cuối cùng, DGAD đã quyết định mức thuế chống bán phá giá cụ thể áp dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam đã tham gia nộp trả lời bản câu hỏi, hợp tác đầy đủ là 0,36 USD/kg và 2,16 USD/kg đối với các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu khác.

Xuất khẩu xơ sợi đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ do bị áp dụng các biện pháp tự vệ, bởi vậy, Vitas đề nghị Bộ Công thương nên xem xét cùng với Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cùng nghiên cứu, tập hợp số liệu đưa ra ngay các biện pháp “trả đũa” thương mại, để bảo vệ hàng sản xuất trong nước.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas)

Không chỉ gặp xui với thuế chống bán phá giá tại Ấn Độ, các doanh nghiệp sợi cũng đang “vật vã” với thuế chống bán phá giá cao ngất tại Thổ Nhĩ Kỳ, khi cuối năm 2016, nước này đã áp thuế chống bán phá giá tới 72,56 % với sợi dún polyester.

Là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sợi dún polyester sang Thổ Nhĩ Kỳ, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) cho rằng biên độ bán phá giá Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đối với sợi dún polyester filament (DTY) nhập khẩu từ Việt Nam (34,81% - 72,56%) là cao bất hợp lý.

Việc sợi xuất khẩu liên tiếp bị kiện và áp thuế chống bán phá giá, theo các doanh nghiệp sản xuất sợi, thì điều này cũng đồng nghĩa với cơ hội xuất khẩu của sản phẩm sợi của Việt Nam sang các thị trường bị áp thuế đang ngày càng thu hẹp.

"Vận đen" vẫn chưa buông sợi xuất khẩu Việt Nam, bởi cuối tháng 2/2017, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng sợi bán sản phẩm (POY) nhập khẩu từ 7 thị trường, trong đó có Việt Nam, giai đoạn từ 01/1/2010 đến 31/12/2016.

Trong thông báo khởi xướng, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sơ bộ xác định rằng kể từ năm 2010, lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra đã tăng lên đáng kể, theo đó lượng hàng nhập khẩu năm 2010 chỉ đạt 41.248.660 kg nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 194.932.226 kg. Căn cứ những diễn biến, dữ liệu thực tế nêu trên, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc để xem xét liệu có khả năng tồn tại việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá với sợi bán sản phẩm POY hay không.

Bức xúc trước tình trạng sợi xuất khẩu bị áp thuế cao, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nói, xuất khẩu xơ sợi đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ do bị áp dụng các biện pháp tự vệ, bởi vậy, thay mặt Vitas, ông Giang đã đề nghị Bộ Công thương nên xem xét cùng với Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đưa ra ngay các biện pháp “trả đũa” thương mại, để bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

Thị trường mới cũng chưa yên

Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 1/3 lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam, nhưng thị trường này áp thuế chống bán phá giá với sợi Việt Nam trong vài năm qua, khiến doanh nghiệp chuyển hướng tăng cường xuất khẩu sợi vào Trung Quốc.

Theo Bộ Công thương, các nước tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam.

Từ năm 2007 đến nay hàng xơ sợi xuất khẩu của Việt Nam bị kiện đến 7 vụ, trong đó có 5 vụ kiện chống bán phá giá, 1 vụ kiện chống trợ cấp và 1 vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ từ Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Ấn Độ và Brazil.

Hiện tại Việt Nam đang bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng sợi dún polyester và sợi nhân tạo tổng hợp. ị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với sợi spandex từ tháng 1/2016, và chính thức áp thuế chống bán phá giá từ cuối tháng 3/2017

Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu sợi sang thị trường Hàn Quốc nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (EVFTA)

Được biết, 6 tháng đầu năm 2016, tỷ trọng đóng góp của thị trường Thổ Nhĩ Kỳ vào doanh thu của Công ty STK là 27%, trong khi trong năm 2014 và năm 2015 lần lượt là 44% và 38%.

Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng vụ kiện chống bán phá giá, STK đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đang mở rộng các thị trường mới như Hàn Quốc và tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới để hạn chế bớt tác động của thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cũng có những trở ngại không nhỏ. Theo ông Giang, thời giạn qua, các doanh nghiệp sợi đã gia tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, nhưng nguy cơ thị trường này dựng hàng rào thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước rất cao.

“Năm 2016, xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi sang Trung Quốc đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 19,3%, trong đó, kim ngạch xuất khẩu xơ sợi đã chiếm gần 2 tỷ USD”, ông Giang nói.

Ngay cả khi đã có được thị trường mới, thì việc xuất khẩu cũng chưa thể yên bởi xu hướng phần lớn các nước trong khu vực châu Á đều tận dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước nguy cơ bị hàng nhập khẩu từ các nước tấn công.

Tin liên quan
Tin khác