Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã được thông qua với số vốn 300 tỷ đồng. |
Kỳ vọng tạo bứt phá cho quảng bá, xúc tiến
Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã được thông qua từ cuối năm ngoái, theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu. Quỹ có vốn 300 tỷ đồng, được ngân sách trung ương cấp trong 3 năm đầu sau khi thành lập, mỗi năm 100 tỷ đồng.
Kinh phí hoạt động hằng năm do ngân sách trung ương cấp bằng 10% tổng số thu nộp ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam của người nước ngoài; bằng 5% tổng số thu nộp ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí tham quan. Ngoài dùng cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tổ chức hội nghị, sự kiện, kinh phí của Quỹ cũng dùng vào việc nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực...
Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Hanoitourist cho rằng, khi nguồn kinh phí từ Quỹ được kích hoạt, du lịch Việt Nam sẽ có điều kiện đẩy mạnh, tạo bứt phá cho hoạt động quảng bá, xúc tiến sau dịch. Đây là điều vô cùng quan trọng để phục hồi thị trường quốc tế vốn chiếm tới 55% trong tổng doanh thu của ngành kinh tế xanh nước ta.
Về công tác quảng bá, xúc tiến của du lịch Việt Nam, PGS-TS Phạm Hồng Long cho rằng, đến nay, công tác này dù đã đổi mới, chuyên nghiệp hơn trước, nhưng vẫn tồn tại khá nhiều bất cập cần tháo gỡ. Trong đó, kinh phí dành cho quảng bá, xúc tiến mỗi năm của du lịch Việt Nam còn rất khiêm tốn.
“Kinh phí dành cho quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam quá hạn hẹp, với khoảng 2 triệu USD/năm. Trong khi đó, các nước khác chi 60 - 100 triệu USD/năm cho công tác này. Do đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch cần sớm được kích hoạt để giải quyết bài toán kinh phí cho xúc tiến, quảng bá du lịch”, PGS-TS Phạm Hồng Long nhấn mạnh. Cũng theo ông Long, bên cạnh quảng bá, Quỹ còn tạo thêm nguồn lực giúp doanh nghiệp ngành kinh tế xanh sớm hồi phục qua các hoạt động nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, truyền thông trong cộng đồng...
Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhiều chuyên gia quốc tế cho thấy, để thu hút thêm du khách quốc tế, thu lợi khoảng 1.000 - 5.000 USD/khách, phải đầu tư ít nhất là 1 USD/khách cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Như vậy, ngành du lịch Việt Nam muốn thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế thì phải chi ít nhất 20 triệu USD cho công tác quảng bá, xúc tiến. Bên cạnh số lượng khách, cũng phải quan tâm đến chất lượng du khách, thu hút được các thị trường khách lưu trú dài ngày, chi tiêu cao.
Phao cứu sinh cho doanh nghiệp du lịch
Ông Hoàng Nhân Chính, Tổng thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, các quốc gia phát triển đều có bộ máy vận hành, quản lý để sử dụng quỹ hỗ trợ sao cho chuyên nghiệp, hiệu quả nhất. Việt Nam có cơ quan quản lý ở cả cấp trung ương và địa phương, nên cần phải có chiến lược về quảng bá và marketing. Hội đồng Tư vấn du lịch đã thu hút được 9 nhà tài trợ đóng góp 45 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm. Để các doanh nghiệp tin tưởng và đóng góp, Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia đưa ra 3 tôn chỉ là tính minh bạch, tính chuyên nghiệp và tính hiệu quả đều phải rất cao…
Nhiều đơn vị du lịch cho rằng, cần có cách quảng bá, xúc tiến du lịch mới, phù hợp với thực tế, nắm bắt các xu hướng phát triển du lịch trên thế giới và đặc biệt là ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới. Không thể sử dụng các cách làm cũ, mà cần hướng tới sử dụng các kênh quảng cáo hiện đại, mạng xã hội, nhân vật, thương hiệu nổi tiếng, đặc biệt là cần có nội dung quảng bá, xúc tiến chuyên biệt hóa cho từng thị trường cụ thể...
Covid-19 khiến hầu hết kế hoạch quảng bá, xây dựng sản phẩm mới bị ngưng trệ, không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, hàng ngàn lao động trong ngành du lịch bị cắt giảm, thôi việc, không có thu nhập... "Cộng đồng doanh nghiệp đang rất ngóng kế hoạch triển khai từ Tổng cục Du lịch với nguồn kinh phí của Quỹ. Đây là chiếc phao với nhiều doanh nghiệp, địa phương lúc này, đặc biệt trong công tác quảng bá, nên chúng tôi rất kỳ vọng nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả, minh bạch", ông Phùng Quang Thắng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, đây là mô hình rất mới, lại đặc thù theo mô hình công ty TNHH một thành viên, nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về mặt con người, bộ máy và cơ chế vận hành. Hiện tại, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vẫn đang cố gắng phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thiện cơ chế vận hành tổ chức bộ máy của Quỹ.