Đi nhanh bằng tăng vốn
Tháng 9/2014, khá nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên khi được mời tham dự buổi roadshow của Sơn Hà, khi doanh nghiệp này có kế hoạch phát hành 10 triệu cổ phiếu, giá chỉ bằng một nửa mệnh giá. Thị giá SHI khi đó chỉ quẩn quanh mức 6.000 đồng/CP, thanh khoản thì lẹt đẹt vài chục nghìn, thậm chí chỉ vài nghìn cổ phiếu một phiên.
Mục đích tổ chức buổi roadshow được lãnh đạo SHI chia sẻ là không muốn cổ phiếu bị rơi vào quên lãng. Nếu phân tích kỹ sẽ không khó hiểu về tâm tư của Ban điều hành SHI.
Khó khăn của nền kinh tế, lãi suất vay vốn tăng vọt có thời điểm lên tới trên 20%/năm là cơn ác mộng với bất cứ doanh nghiệp nào. Với khoản vay nợ tới hơn 700 tỷ đồng, SHI không là ngoại lệ. Trong khi đó, doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội huy động vốn qua TTCK dù đã niêm yết cổ phiếu tới 5 năm.
SHI muốn tận dụng cơ hội trên TTCK. Làm vậy, trước hết cổ phiếu SHI phải được quan tâm. Cũng từ đó, giá cổ phiếu SHI nhích dần.
Thị giá SHI liên tục tăng và hiện đạt trên 12.000 đồng/CP. Mức giá này cho phép SHI thực hiện kế hoạch tăng vốn năm 2015 không quá khó khăn.
Năm 2015, SHI dự kiến tăng vốn thêm 180 tỷ đồng từ phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP, tăng vốn lên 547 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ thêm 50 tỷ đồng; đồng thời, huy động thêm 180 tỷ đồng bằng phát hành trái phiếu kèm chứng quyền.
Nhà đầu tư nào tinh ý sẽ hiểu vì sao Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn và gia đình bán quyền mua cổ phiếu ra bên ngoài, cho các quỹ vào năm ngoái.
Những lĩnh vực SHI hướng đến đang có sự cạnh tranh gay gắt. |
Phía trước còn thách thức
Tại thời điểm cuối năm 2014, SHI có khoản nợ ngắn hạn 727 tỷ đồng và 119 tỷ đồng dài hạn. SHI báo cáo trước ĐHCĐ, tại thời điểm 31/12/2014, tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu của công ty mẹ là 1,7 lần, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty mẹ là 2,5 lần, gây mất cân đối trong tỷ trọng vốn và có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của Công ty. Nếu đợt phát hành trong năm 2015 thành công, SHI sẽ huy động được khoảng 310 tỷ đồng, áp lực tài chính sẽ được giải tỏa.
Tuy nhiên, đường đi của những đồng vốn huy động này là điều mà các cổ đông và nhà đầu tư cần quan tâm, khi chiến lược phát triển và đa dạng dòng sản phẩm của Sơn Hà không mấy cụ thể hoặc hướng vào những lĩnh vực đang có sự cạnh tranh gay gắt.
Kế hoạch sử dụng vốn từ đợt phát hành, theo ông Sơn, “được dùng để đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất ống thép tại Myanmar. Dự án này SHI góp 45% vốn, dự kiến quý III năm nay sẽ có quyết định đầu tư. Đồng thời, chúng tôi cũng bổ sung vốn cho các dự án tại Việt Nam”.
Myamar là thị trường không dễ ăn, việc xin giấy phép đầu tư không đơn giản, trong khi đó đến thời điểm này, liên doanh mà Sơn Hà dự kiến tham gia cũng chưa có quyết định đầu tư của chính quyền sở tại. Đặt giả thiết rằng, nếu có rủi ro xảy ra, tức là không xin được giấy phép hoặc chậm xin được giấy phép, tiền huy động sẽ được SHI sử dụng như thế nào?
Tại ĐHCĐ 2015, Ban điều hành SHI chia sẻ rằng, mỗi năm, cố gắng có 1 - 2 sản phẩm mới trở lên, để trong mỗi hộ gia đình, các thiết bị inox đều có thể do Sơn Hà sản xuất.
Trên thực tế, SHI đã đầu tư sản xuất và tiêu thụ máy lọc nước RO. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đang có sự cạnh tranh quyết liệt, xuất hiện từ năm 2014, song năm 2015 SHI cũng chỉ dám đặt mục tiêu thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Hoặc kế hoạch sản xuất chậu rửa cao cấp mà Sơn Hà đang đầu tư cũng đang có sự cạnh tranh lớn từ hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng Trung Quốc.
Cho đến thời điểm này, Sơn Hà đã thoái vốn gần xong khỏi các lĩnh vực ngoài ngành nghề cốt lõi như bất động sản hay kinh doanh siêu thị. Đây đều là những mảng hoạt động SHI từng đặt nhiều kỳ vọng, nhưng kết cục không thu được kết quả như mong muốn.
Rõ ràng là, tiền huy động từ phát hành thêm nếu được sử dụng cho các ngành nghề cốt lõi hoặc những dự án khả thi sẽ tạo được niềm tin lớn hơn cho nhà đầu tư, thay vì các dự án còn “trên giấy”.
Đề cập đến việc liệu năm nay có tham gia các đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu và tăng mức độ cam kết gắn bó với doanh nghiệp hay không, Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn không trả lời thẳng câu hỏi mà chỉ nói là còn đang xem xét. Sự chần chừ của ông Chủ tịch có thể là thông điệp không mấy tích cực cho cổ đông về một niềm tin vào sự phát triển bền vững và nhanh mạnh của SHI.