Doanh nghiệp
Sonadezi Châu Đức: Mơ hồ mua bán công cụ nợ
Chí Tín - 30/05/2019 08:08
Động thái mua đi bán lại công cụ nợ mà Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã SZC, sàn HOSE) tỏ ra khá mơ hồ về mục đích và tính hiệu quả tài chính.
.

Chưa rõ hiệu quả đầu tư dài hạn

Tại báo cáo tài chính quý I/2019, đầu tư tài chính dài hạn của Sonadezi Châu Đức là hơn 48 tỷ đồng, trong đó toàn bộ số tiền này nằm trong khoản mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Trong các khoản đầu tư trên, Sonadezi Châu Đức đã đầu tư hơn 31,5 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Sonadezi Long Bình, tương đương 4,2% vốn điều lệ của công ty này. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đầu tư tại 2 công ty khác. Đó là khoản đầu tư 15 tỷ đồng (tương đương 7,5% vốn điều lệ) tại Công ty cổ phần Cấp nước Châu Đức và đầu tư 1,5 tỷ đồng (tương đương 3% vốn điều lệ) tại Công ty cổ phần Dịch vụ Sonadezi.

Trong số 3 khoản đầu tư trên, 2 khoản đầu tư tại Sonadezi Long Bình và Cấp nước Châu Đức không xác định được giá trị còn lại hợp lý. Trong thuyết minh báo cáo tài chính quý I/2019, Sonadezi cho biết, các công ty này chưa niêm yết trên thị trường, trong khi Chuẩn mực kế toán Việt Nam và Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam chưa có hướng dẫn về cách tính giá trị doanh nghiệp hợp lý sử dụng các kỹ thuật định giá. Theo đó, giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này có thể khác với giá trị ghi sổ.

Mơ hồ mua bán công cụ nợ

Ngoài một số khoản đầu tư tài chính dài hạn chưa rõ hiệu quả, thì một trong những động thái đáng chú ý của Sonadezi Châu Đức là việc thay đổi tăng - giảm mua bán các công cụ nợ của đơn vị khác. Trong khi, hiệu quả các thương vụ này cũng không được Công ty giải thích rõ ràng.

Trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất năm 2018, Sonadezi Châu Đức đã bỏ ra tới hơn 110 tỷ đồng để cho vay và mua lại công cụ nợ của đơn vị khác, trong khi đó, cũng trong năm 2018, doanh nghiệp này thu về hơn 120 tỷ đồng thu hồi tiền bán công cụ nợ. Báo Đầu tư đã chuyển nội dung câu hỏi đề nghị Công ty Sonadezi Châu Đức chia sẻ thông tin về hoạt động mua bán này cụ thể là gì và hiệu quả ra sao, nhưng không được Công ty phản hồi.

Trên thực tế trong hoạt động tài chính doanh nghiệp, việc đầu tư cho vay hoặc mua công cụ nợ của các đơn vị khác thường được các doanh nghiệp sử dụng như một công cụ nhằm tối ưu hóa nguồn lực tài chính. Thông thường, đây là các khoản đầu tư có tính rủi ro cao hơn gửi tiền tại ngân hàng, nên yêu cầu của cổ đông là tỷ lệ lợi tức phải cao hơn gửi tiết kiệm.

Với những doanh nghiệp đòi hỏi yêu cầu cao về quản trị (các công ty đại chúng, công ty niêm yết…), nhà đầu tư luôn có nhu cầu thông tin về các khoản đầu tư và cho vay của doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả, độ an toàn và minh bạch của các khoản đầu tư, cho vay đó. Đây là các yêu cầu thông thường trong các nguyên tắc quản trị công ty đại chúng để cổ đông giám sát việc các khoản đầu tư/cho vay của doanh nghiệp có bị rót vào những địa chỉ rủi ro quá cao, hoặc có quan hệ lợi ích với lãnh đạo doanh nghiệp hay không.

Một doanh nghiệp (xin giấu tên) niêm yết khác trên sàn đã bị bài học đắt giá về việc dùng tiền công ty cho người thân quen vay, dẫn đến rủi ro cao. Tại thời điểm 31/12/2018, số tiền mà một cá nhân nợ công ty đó lên tới 46,5 tỷ đồng, chiếm gần nửa vốn chủ sở hữu của Công ty. Trong khi cá nhân này nợ tiền công ty, thì bản thân doanh nghiệp vẫn trong tình trạng khó khăn, không có tiền trả ngân hàng. Tại thời điểm 31/3/2019, nợ phải trả của công ty đó lên tới hơn 1.374 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 97 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác