Đầu tư
“Sống lại” Trạm thu phí QL 1 tại Ninh Thuận
Anh Minh - 15/05/2013 10:25
Bắt đầu từ 0h ngày 20/5, trạm thu phí Cam Thịnh tại Km1517, Quốc lộ 1, đoạn qua Ninh Thuận sẽ thu phí trở lại. Trước đó, trạm thu phí Cam Thịnh đã được Bộ Giao thông Vận tải cho dừng thu từ ngày 1/1/2013 sau khi Quỹ Bảo trì đường bộ Việt Nam đi vào hoạt động.
TIN LIÊN QUAN
Trạm thu phí Cam Thịnh sẽ thu phí trở lại từ 0h ngày 20/5/2013

Đây là nội dung của Quyết định số 1184/QĐ – BGTVT do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông ký chấp thuận đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc dùng lại trạm thu phí Cam Thịnh để hoàn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1A theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) đoạn qua thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận).

Trước đó, trạm thu phí Cam Thịnh đã được Bộ Giao thông Vận tải cho dừng thu từ ngày 1/1/2013 sau khi Quỹ Bảo trì đường bộ Việt Nam đi vào hoạt động

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có Công văn số 1924/TCĐBVN-TC đề nghị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng Ninh Thuận – nhà đầu tư Dự án khẩn trương thông báo mức thu phí, đối tượng thu, đối tượng miễn phí, thủ tục thu, nộp phí trước thời điểm thu phí.

Ngoài ra, nhà đầu tư phải lập phương án tổ chức quản lý thu phí, phối hợp với các cơ quan chức năng như Cảnh sát Giao thông, Thanh tra giao thông ... để hỗ trợ trong thời gian bắt đầu thu phí đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu nhà đầu tư trong quá trình thực hiện có vướng mắc phải báo cáo ngay Tổng cục Đường bộ Việt Nam để cùng tháo gỡ giải quyết, thời gian thực hiện trước ngày 15/5/2013.

Lý giải về việc Bộ Giao thông Vận tải chia nhỏ Quốc lộ 1 với nhiều dự án BOT xen kẽ dự án trái phiếu chính phủ, đồng nghĩa với việc trên tuyến sẽ có rất nhiều trạm thu phí mới, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, toàn tuyến Quốc lộ 1 dài khoảng hơn 1.700 km, hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng do quá tải với mật độ phương tiện bình quân khoảng 20.000 đến 30.000 xe/ngày đêm. Để nâng cấp toàn tuyến lên 4 làn xe, đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai gần cần có nguồn vốn khoảng 120.000 tỷ đồng, đây là nguồn kinh phí quá lớn trong bối cảnh ngân sách eo hẹp và việc phát hành trái phiếu chính phủ cũng đang gặp khó khăn như hiện nay.

“Sẽ có khoảng 1.000 km Quốc lộ 1 được đầu tư bằng hình thức BOT xen kẽ với 700km đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với khoảng 21 trạm thu phí BOT được xây dựng trên toàn tuyến. Như vậy, vẫn đảm bảo không vượt quá quy định của Bộ Tài chính về việc ít nhất 70km mới được đặt 1 trạm thu phí đường bộ”, ông Trường khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác