Nhân viên môi giới phát tờ rơi quảng cáo mua bán nhà đất khu vực quanh sân bay Long Thành. |
Giá âm thầm leo thang
Sân bay Long Thành từ lâu đã trở thành câu chuyện quan tâm đặc biệt của giới đầu tư địa ốc không chỉ ở thị trường phía Nam, mà trên cả nước. Ngay từ thời điểm dự án này đang trong giai đoạn bàn tính xây hay không xây, giá bất động sản khu vực huyện Long Thành và các vùng lân cận đã bắt đầu “nhảy múa”.
Đỉnh điểm của cơn sốt là từ khi Quốc hội chính thức bấm nút thông qua việc xây dựng sân bay Long Thành. Được một thời gian thì thị trường lắng xuống nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, mới đây, khi các thông tin về tiến độ giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư đang gấp rút hoàn thành, giá đất tại những khu vực này đã tăng vọt, dù lượng người tìm kiếm và giao dịch không nhiều.
Anh Phúc, nhân viên môi giới Công ty Điền Phúc Land cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mặc dù giao dịch không sôi động như 2 năm trước, nhưng giá bất động sản ở các vùng giáp ranh Dự án sân bay Long Thành có nhiều biến động. Giá đất làm nhà ở, dự án, thậm chí là đất nông nghiệp cũng tăng từ 20 - 30% so với thời điểm đầu năm 2019.
Đặc biệt, giá nhà đất các khu vực phụ cận phía Nam sân bay để phát triển dịch vụ như Bàu Cạn, Tân Hiệp, Phước Bình càng tăng nhanh. “Các khu vực này tiềm năng phát triển, biên độ tăng giá còn cao, nên một số nhà đầu tư có tâm lý ngồi chờ và kỳ vọng lợi nhuận tăng 100 - 200% mới bán ra”, anh Phúc cho biết.
Lý giải việc thị trường nhà đất Đồng Nai dù không sôi động như trước, song giá vẫn âm thầm tăng, anh Phúc cho rằng, cứ sau mỗi thông tin tích cực về quy hoạch hạ tầng, mà đặc biệt là tiến độ của sân bay Long Thành, thì nhiều chủ đất cứ thế mà đẩy giá.
Dư địa lớn, nhưng cần thận trọng
Có thể nói, sân bay Long Thành như một thỏi nam châm lớn có sức hút lan rộng trong bán kính 30 km. Hiện mới là giai đoạn khởi động, nhưng làn sóng săn lùng quỹ đất đã nóng sốt nhiều lần, khiến mặt bằng giá bị đẩy lên cao. Các vị trí đẹp, chiến lược đều đã có chủ.
Trước hiện tượng này, nhiều chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư nên cẩn trọng, đặc biệt sẽ rủi ro rất cao bởi những khu vực gần dự án sân bay Long Thành hiện vẫn chưa có quy hoạch chung về xây dựng, các xã vùng xung quanh dự án vẫn triển khai theo quy hoạch xã nông thôn mới đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Asia New Time cho rằng, Đồng Nai đang có khá nhiều lợi thế để phát triển trong thời gian tới. Đây là địa phương liền kề TP.HCM, là cửa ngõ của cả khu vực miền Đông Nam bộ, có vai trò đặc biệt về liên kết vùng. Trong đó, những khu vực có hạ tầng phát triển tốt như Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa sẽ là những khu vực tâm điểm của thị trường sắp tới.
Song, theo ông Tiến, điều gì cũng có hai mặt, vấn đề của câu chuyện đầu tư bất động sản Long Thành hiện nay là làm sao tìm được các dự án quy hoạch bài bản, rõ ràng về pháp lý. Các dự án mà pháp lý, quy hoạch chưa rõ ràng thì sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn khi đầu tư.
Theo ông Ngô Đức Sơn, Phó tổng giám đốc DRH Holdings, việc đầu tư để đón đầu Dự án sân bay Long Thành hay một dự án cao tốc là chuyện hết sức bình thường, nhưng cũng có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt vì đón đầu nhầm chỗ.
“Câu chuyện này từng xảy ra trước đây khi tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công. Khi đó nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng bất động sản sẽ ăn theo hạ tầng, nhưng sau đó đã ngã ngửa vì chỉ một số khu vực có thể kết nối trực tiếp lên đường cao tốc. Một số vị trí nhìn thấy đường cao tốc, nhưng không kết nối được, nên khả năng tăng giá không cao”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, đất ở khu vực quanh Dự án sân bay Long Thành đang rất hấp dẫn nên không ít dự án quảng cáo ăn theo, nhưng nên nhớ rằng, sân bay đương nhiên sẽ là khu dịch vụ khép kín, khách ra khỏi sân bay thì cũng đi thẳng về thành phố chứ ít khi mua bán gì. Điều này có thể quan sát thấy rõ tại các sân bay như Nội Bài (Hà Nội), Liên Khương (Lâm Đồng)… Đất khu vực ngoài sân bay này hiện vẫn chỉ là đất nông nghiệp.
Là người quan sát thị trường Đồng Nai nhiều năm, ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty Seaholdings cho rằng, không thể phủ nhận những lợi thế khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, song nếu nói về rủi ro thì vẫn nằm ở câu chuyện quy hoạch.
“Phải ghi nhận là mấy năm qua, quản lý quy hoạch vùng lõi của sân bay đã được huyện Long Thành và các ngành chức năng thực hiện khá tốt, nhưng vùng phụ cận sân bay lại nhanh chóng trở thành khu vực “nóng bỏng” về mua bán, sang nhượng, tách thửa… để đầu cơ. Nguyên nhân chính khiến tình trạng này diễn ra suốt thời gian dài chủ yếu vẫn nằm ở chỗ quy hoạch vùng phụ cận sân bay Long Thành hiện chưa có, địa phương thiếu cơ sở để quản lý”, ông Phương nói.