1.
Tôi qua PhnomPenh (Camphuchia) thăm người bạn. Xe bus đi từ TP.HCM qua PhnomPenh rất dễ dàng và rẻ nữa, chỉ 200.000 đồng là có thể trải nghiệm được nhiều thứ trên chặng đường gần 300 km.
Những căn nhà sàn đơn sơ trước đây vẫn còn, những nhà mái tôn trân mình chịu dưới cái nắng nóng 35 độ C vẫn còn, nhưng đan xen nhiều hơn vẫn là những căn nhà vườn mái Thái. Và khi đã lọt vào địa phận thành phố, PhnomPenh thấm màu hiện đại ngày càng rõ nét.
Cứ mỗi lần qua chơi là 1 lần khác biệt. Vẫn một cuộc sống giản dị sáng sáng đi làm mưu sinh, chiều chiều ra bờ sông dạo bộ, nhưng sự thay đổi theo chiều hướng phát triển hiện đại khiến PhnomPenh như cô gái miền Tây lên TP.HCM lập nghiệp. Vẻ nhanh nhẹn, thành thị của cô khác hẳn với bạn bè đồng trang lứa tại quê nhà. Điều đó là đương nhiên thôi.
Bạn tôi, vốn là 1 tiểu thư tại Sài Gòn. Cô lấy chồng, anh ấy làm kinh doanh. Rồi cuộc sống đưa đẩy thế nào, mà anh qua PhnomPenh lập nghiệp. Và rồi, chồng đâu vợ đó, 2 đứa con được gửi ông bà ngoại chăm sóc. Thời gian đầu, họ làm về xuất nhập khẩu, nhưng không hiểu sao mà công chuyện không suôn sẻ, nên sau đó thuê mặt bằng mở quán phở.
Năm trước, tôi qua chơi, nhìn quán phở của bạn, nhìn cuộc sống của bạn, nhìn tất cả những gì bạn có ở TP.HCM mà không biết nói sao. Ở TP.HCM, bạn đang làm marketing cho 1 công ty bất động sản lớn. Mà mối quan hệ của bạn với chủ tập đoàn ấy không phải người thường, họ là bà con gần gũi. Do vậy, mọi thứ tới với bạn không quá khó khăn. Căn nhà của bạn ngay trung tâm quận 3, được cho thuê với giá hơn 100 triệu đồng/tháng. Nếu ở TP.HCM thì bạn vẫn phát triển sự nghiệp không chỉ ổn định, mà còn có nhiều cơ hội tuyệt vời.
Còn ở PhnomPenh thì sao? Quán phở được thuê khá lớn, giá tiền trả hàng tháng cho mặt bằng và nhân công cũng không hề rẻ. Lại thức khuya dậy sớm, trời nắng nóng khủng khiếp khiến da mặt đen sạm hơn. Mở quán phở thì làm sao mà có thể nghĩ tới ngày nghỉ cuối tuần. Và với gần hai chục chiếc bàn inox nằm trong quán, bạn luôn trăn trở với việc bữa nay có bao nhiêu khách đã ngồi vô ăn phở để tính ra được số tiền lỗ lãi.
Hỏi sao không về TP.HCM, bạn nói, anh chồng muốn thử thách ở môi trường kinh doanh mới, lạ lẫm. Hỏi đã có lời chưa, bạn hất đầu ra những chiếc bàn đang vắng khách thay câu trả lời. Vậy thì sao không kết thúc đi?
“Chồng mình nói, đó chính là trải nghiệm của cuộc sống”!
2.
Lần này, tôi qua thăm bạn tôi là để đi coi căn hộ bạn mới mua. Cuộc hôn nhân của bạn đã kết thúc, chồng cũ đã đóng cửa quán phở để quay trở lại TP.HCM. Trong lúc buồn chán, bạn đến bể bơi của 1 khách sạn và gặp được tình yêu bây giờ. Anh bạn mới là người Ấn Độ qua PhnomPenh làm đại diện cho 1 văn phòng về IT. Họ tìm được sự đồng cảm và quyết định tới với nhau theo cách lãng mạn nhất có thể. Nghĩa là cầu hôn tại bể bơi, là tiệc ra mắt bạn bè ngoài bãi biển, là những cái hôn say đắm dù đang đi bộ ngoài đường.
Căn hộ cho cuộc sống mới, ở lứa tuổi đã ngoài 40, lại ở 1 thành phố xa lạ, ở 1 quốc gia láng giềng, hẳn không phải ai cũng dám dấn thân. Nhưng đã bước đi rồi, thì đành đi tiếp, đi nữa, chứ biết sao.
Bạn nói, ở TP.HCM thời còn sống trong cuộc hôn nhân cũ, cứ bàn tới việc mua căn hộ thì ông chồng đều gạt đi. Thôi để tiền kinh doanh đi em, ở chung với ba mẹ được rồi. Bởi vậy, bạn luôn kể về những ao ước của mỗi sáng Chủ nhật rảnh rỗi, được ngồi cafe yên lành trong căn hộ riêng của vợ chồng, để nói chuyện với chồng con về 1 tuần đã qua. Nó khác hẳn với những tất bật của việc vừa mở mắt ra trong căn nhà phố của ông bà ngoại, đã vội vã ra chợ để mua đồ về nấu nướng ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều. Một căn hộ không chỉ là nơi ở, nó còn chứa đựng bao nhiêu khắc khoải mưu cầu hạnh phúc của người vợ, người phụ nữ muốn được sống tận hưởng đúng từng khoảnh khắc cuộc đời.
Giờ căn hộ của bạn đã có, nhưng ở xa TP.HCM quá và cũng đánh đổi nhiều thứ quá. Tuy nhiên, nếu bạn được hạnh phúc, thì dù đã trung niên rồi, cũng vẫn được hưởng mọi thứ đến tận cùng. Khép lại mọi thứ đi bạn. Vì ước mơ đi cùng suốt đời với ai đó đôi khi cũng chỉ là trong vài scene của bộ phim điện ảnh ngôn tình đang chiếu đầy rạp tại Việt Nam mà thôi.