Dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, song tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trong 4 tháng qua có xu hướng tích cực hơn năm ngoái. Ảnh: Đức Thanh |
Lo vì giải ngân vẫn chậm
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Đó là thực tế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập khi báo cáo Chính phủ mới đây.
Cụ thể, ước giải ngân 4 tháng đầu năm 2021 đạt 86.010,29 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng), giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (18,98%). Trong đó, vốn trong nước đạt 20,74%, vốn nước ngoài đạt 2,02%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ trong năm 2020.
Tỷ lệ giải ngân như trên thậm chí còn thấp hơn cả tỷ lệ giải ngân của 4 tháng các năm 2017 (19,2%) và 2019 (18,67%), trong khi giải ngân vốn đầu tư công đang được coi là một trong những “mũi giáp công” quan trọng nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Covid-19. Đây rõ ràng là một điều đáng lưu ý.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ mới kiện toàn, đó là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Thực tế, có một điểm để hy vọng, đó là dù tỷ lệ giải ngân đạt thấp, song tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trong 4 tháng qua có xu hướng tích cực hơn năm ngoái. Con số là 98.700 tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 16,6% và tăng 14,5%). Thậm chí, riêng tháng 4, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 30.400 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2017-2021.
Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tương tự các năm trước, những tháng đầu năm, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung giải ngân vốn năm 2020 kéo dài, song song với việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2021. Đồng thời, một số chủ đầu tư đang triển khai các công việc như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công…, nên chưa có khối lượng để thanh toán. Do vậy, tỷ lệ giải ngân còn thấp.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói rằng, phải “thẳng thắn nhìn nhận là về chủ quan”, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao vốn chưa quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, chưa sát sao xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh. Điều này lý giải vì sao, trong cùng một hệ thống pháp luật, có những bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân 4 tháng khá cao, như Thái Bình (76,74%), Hà Nam (50,57%), Hưng Yên (43,21%), Thanh Hóa (42,39%)…, song lại có tới 41/50 bộ, cơ quan trung ương và 26/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
Ngoài nguyên nhân trên, thì công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, mất nhiều thời gian cũng là lý do được chỉ ra khiến hầu hết các dự án bị chậm tiến độ. Chưa kể, nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, gây khó khăn trong việc cân đối vốn và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ… Đây là nguyên nhân được cho là muôn thuở với không chỉ đầu tư công.
Sốt ruột vì kế hoạch trung hạn 2021-2025
Ngoài chuyện giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, một trong những nỗi lo của đầu tư công 2021, đó là tính đến hết tháng 4/2021, vẫn còn trên 61.000 tỷ đồng vốn kế hoạch 2021 chưa được phân bổ. Vốn có mà chưa thể được phân bổ và triển khai sẽ là một lãng phí không nhỏ.
Tuy nhiên, cũng dễ hiểu vì sao cho đến thời điểm này, nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư công 2021 còn thấp. Số vốn chưa phân bổ này liên quan đến các dự án khởi công mới chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, các dự án quá thời gian thực hiện với quy định và đang trình Thủ tướng Chính phủ xử lý, các dự án, nhiệm vụ quy hoạch chưa đủ thủ tục và các dự án ODA chưa ký hiệp định hoặc đang điều chỉnh hiệp định…
Ngoài các nguyên nhân như nhiều dự án được giao kế hoạch vốn ODA, nhưng chưa hoàn thành thủ tục gia hạn hiệp định vay, thì quy định mới của Luật Đầu công cũng đang khiến đầu tư công 2021 chưa thể sớm tăng tốc. Đó là theo quy định, chỉ sau khi Quốc hội khóa mới quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, thì mới được phân bổ kế hoạch vốn năm 2021 cho các dự án khởi công mới. Do vậy, nhiều dự án dự kiến khởi công trong năm nay vẫn đang phải nằm chờ.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực rà soát, thẩm định để kịp tổng hợp, báo cáo Chính phủ Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 vào ngày 20/5 tới. Dù thời gian không còn nhiều, song vẫn còn các bộ, ngành, địa phương chưa gửi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Khi các bộ, ngành, địa phương báo cáo chưa đầy đủ, thì Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 chưa thể sớm hoàn thành, trình Chính phủ và tới đây là trình Quốc hội thông qua. Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công của riêng năm 2021, mà còn cả giai đoạn 5 năm.
Ngoài “đốc thúc” báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc trong giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021, để từ đó tìm phương án giải quyết.
Phương án thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân đầu tư công đã được đề xuất, không chỉ ở cấp Trung ương, mà còn trong từng bộ, ngành, địa phương. Nhiệm vụ của tổ này là rà soát, xử lý ngay những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, định mức, suất đầu tư…, gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ thực hiện, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong năm 2021.