Doanh nghiệp
Start-up có nên chọn “ngủ đông” trong thời dịch Covid-19?
Thị Hồng - 09/04/2020 21:02
Bộ máy tinh gọn, nguồn lực hạn chế, một số start-up chọn cách “ngủ đông”- dừng mọi hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Dù vậy, đây là kịch bản start-up nên cân nhắc.

Điều đáng sợ nhất mà Covid-19 tác động lên kinh tế Việt Nam là gì? 

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn Nexttech cho rằng, đó chính là không khí ảm đạm. Tâm lý sợ hãi bao trùm khiến khách hàng “đóng băng” chi tiêu, doanh nghiệp “ngủ đông” kinh doanh.

Giữa tâm dịch start-up có khả năng “chết” vì đói trước khi “chết” vì virus. Sau khi Covid-19 đi qua, có thể là tin vui vì doanh nghiệp vẫn còn sống sót. 

“Cũng có khoảng thời gian mà thị trường khởi nghiệp có bong bóng. Nhà đầu tư đổ xô vào nhiều thì cũng không có nhiều thời gian đánh giá start-up cẩn trọng.

Đây là thời gian nhà đầu tư chậm lại, nhìn lại sức chiến đấu từng start-up, tạm dừng khoản rót vốn lớn giai đoạn này nhưng sẵn sàng cho vòng sau.

Còn start-up, giai đoạn này cần khâu vá lại những điểm yếu đang có”, bà Trương Lý Hoàng Phi, nhà sáng lập Trung tâm hỗ trợ thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) nói.

Nhìn lại thời gian dịch hoành hành, doanh nghiệp “ngủ đông”, dừng mọi hoạt động kinh doanh trong khi các đối thủ vẫn bền bỉ tìm mọi cách vượt khó. 

Khi dịch đi qua, doanh nghiệp mới bắt đầu quay lại hoạt động kinh doanh thì đối thủ bất ngờ bật dậy bứt phá mạnh mẽ chiếm thị phần.  Doanh nghiệp rơi vào tình thế cạnh tranh khốn đốn, không phản ứng kịp. 

Khó có thể kỳ vọng start-up giữ thế cân bằng trong môi trường kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 bởi vốn dĩ, “tuổi đời” còn trẻ, họ đang chập chững, lênh khênh với bước đi chập chững như trẻ con và rất dễ ngã.

Dù vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn được kỳ vọng có thể linh động, tập trung vào sản phẩm mà mình có thế mạnh, thay vì ôm đồm quá nhiều.  

“Giai đoạn này, start-up sẽ học được bài học về chịu khổ, tiết kiệm, tập trung tiền vào dòng sản phẩm chinh phục người dùng thay vì cố đấm ăn xôi”, bà Phi chia sẻ. 

Trần Nguyễn Duy Tuấn, nhà sáng lập AirIoT giới thiệu về AirIoT tại Việt Nam Startup day 2019 (Ảnh: HP).

Do đó, BSSC đang thực hiện chiến dịch kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ sản phẩm/dịch vụ giúp start-up Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19. 

Cụ thể, BSSC sẽ giới thiệu đến cộng đồng các start-up có sản phẩm/dịch vụ chất lượng. 

Đơn này cũng tư vấn theo hình thức 1:1 cho các start-up, kỳ vọng tìm ra những giải pháp phù hợp, giúp dự án ứng phó và vượt qua Covid-19.

“Hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu các Dự án startup đang rất cần sự chung tay giúp đỡ để vượt qua giai đoạn rất khó khăn này. Và khi BSSC phất lên ngọn cờ thì chúng tôi rất mong chờ sự đáp lời của cộng đồng cùng ủng hộ cho các sản phẩm, dịch vụ của startup Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, CEO BSSC nói.

Trong vai trò hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đại diện BSSC khẳng định, ngay cả khi đối mặt với khủng hoảng toàn cầu do ảnh hưởng từ Covid-19, BSSC với tinh thần “chiến binh startup” không cho phép buông xuôi các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. 

BSSC cũng kỳ vọng trong giai đoạn ai cũng thắt lưng buộc bụng thì ưu tiên sử dụng sản phẩm khởi nghiệp Việt với chất lượng tốt và giá cả hợp lý cũng chính là yêu nước.

Tin liên quan
Tin khác