Doanh nghiệp
Start-up do cựu CEO Uber Việt Nam sáng lập huy động 3 triệu USD vốn đầu tư
Hồng Phúc - 13/05/2021 15:44
Ứng dụng hỗ trợ người lao động có thể được trả lương mỗi ngày - VUI do ông Dũng Đặng (từng là CEO Uber Việt Nam) là đồng sáng lập vừa huy động được 3 triệu USD vốn đầu tư.

Startup này có hai đồng sáng lập là ông Dũng Đặng và ông Nguyễn Việt Thắng, phụ trách công nghệ.

Ông Thắng từng là Giám đốc công nghệ Focal Labs và SeeSpace, có kinh nghiệm xây dựng công nghệ cho ERP, thương mại điện tử…

Cả hai đồng sáng lập này thành lập Công ty TNHH Dịch vụ công nghệ Nano Việt Nam - đơn vị quản lý ứng dụng VUI giúp người lao động có thể nhận lương linh hoạt. 

Nano Việt Nam đã hoàn thành vòng tiền hạt giống (pre-seed) từ năm 2020 do Golden Gate Ventures, Venturra Discovery và FEBE Ventures đồng đầu tư.

Theo Bloomberg, vòng hạt giống (Seed) lần này có thêm sự tham gia từ Goodwater Capital và Openspace Ventures.

Về cách hoạt động, Nano Việt Nam hợp tác cùng các doanh nghiệp để cung cấp giải pháp ứng lương (EWA), thống kê thu nhập và giáo dục về quản lý tài chính cho người lao động thông qua nền tảng công nghệ. 

"Mục tiêu là cải thiện dòng tiền và chi phí tài chính cho người lao động thu nhập thấp trung bình, giúp họ tiếp cận thu nhập mình đã làm ra khi cần, tránh sa vào bẫy nợ, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn tài chính và phẩm giá của hàng triệu người lao động", theo giới thiệu trên webiste của VUI.

Theo VUI, 24 triệu người lao động Việt Nam với mức thu nhập thấp có thể phải tìm đến các khoản vay ngoài lãi suất, từ 300-500%/năm (Ảnh chụp màn hình VUI).

Theo ban lãnh đạo VUI, các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động phổ thông trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ và sản xuất (điển hình là dệt may, da giày) ghi nhận chi phí tuyển dụng và tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tăng, gây áp lực lên kết quả kinh doanh và việc ổn định tổ chức để tăng trưởng. 

Nhiều lao động cũng chuyển sang các công việc thuộc nền kinh tế chia sẻ như chạy xe, giao hàng để được nhận lương hàng ngày với lịch làm việc linh hoạt. 

Cùng với đó, chi phí nhân sự nghỉ việc thường được ghi nhận thấp hơn thực tế tại các doanh nghiệp. 

Theo nghiên cứu năm 2018 của đại học Harvard, chi phí “thực” khi một nhân viên nghỉ việc (gồm chi phí tuyển dụng, đào tạo, và thâm hụt năng suất) bằng 16–20% lương hằng năm. 

Nếu một công nhân nhà máy với lương 8 triệu đồng/tháng nghỉ việc, nhà máy đó mất đi một chi phí tương ứng 18-20 triệu đồng.

Ở Việt Nam, phần lớn người lao động sống phụ thuộc vào lương tháng và chi phí đột xuất có thể khiến họ lâm vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền. 

Hàng triệu người đã bước vào bẫy nợ với khoản vay nhỏ nhưng lãi suất 300-500%/năm là một thực trạng nhức nhối trong xã hội. 

Thế nên, việc chuyển sang trả lương linh hoạt theo ngày tương tự nền kinh tế chia sẻ được cho là hấp dẫn với người lao động và mang lại lợi thế tuyển dụng cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với doanh nghiệp vì gánh nặng công nghệ, dòng tiền và thủ tục hành chính.  

Dũng Đặng (thứ hai từ trái sang) và các thành viên trong ban lãnh đạo VUI.

Ra mắt cách đây 6 tháng, ứng dụng VUI hiện phục vụ hơn 20.000 người lao động tại nhiều doanh nghiệp và được kỳ vọng cung cấp dịch vụ cho đối tượng có thu nhập hàng tháng dưới 15 triệu đồng.

Theo bà Phan Lan Chi, Giám đốc điều hành của LanChi Mart, công ty thành viên với 2.000 lao động thuộc Central Retail Việt Nam, chi lương linh hoạt thông qua VUI là sáng kiến nhân sự thiết thực mà LanChi Mart đã triển khai như một phúc lợi tự nguyện cho người  lao động. 

Việc này đã góp phần giữ tinh thần nhân viên trong thời kỳ đại dịch, giảm tỷ lệ nghỉ việc sau Tết Nguyên Đán và giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực.

Ở nước ngoài, mô hình chi lương linh hoạt (EWA) đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Ví dụ Walmart đã triển khai giải pháp này từ 2017 cho 1,4 triệu nhân sự và tiết kiệm hơn 300 triệu USD hàng năm nhờ tỷ lệ nghỉ việc giảm 30%. 

Ông Đặng Việt Dũng, CEO VUI cho rằng, thực trạng chưa tới hết tháng đã hết tiền của người lao động rất phổ biến và đáng quan ngại. 

Vì vậy, start-up này tin rằng, chi lương linh hoạt là phương án trả lương tốt hơn mà người lao động thực sự cần, đồng thời là công cụ hiệu quả giúp doanh nghiệp tăng sức hút trên thị trường lao động cạnh tranh. 

Cùng với đó, mô hình này có thể góp phần loại bỏ thực trạng tín dụng đen đang nhức nhối trong xã hội.

Tin liên quan
Tin khác