Các doanh nhân thành đạt luôn có những mục tiêu rõ ràng và biết bỏ qua một số thói quen hàng ngày có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh. Trang Entrepreneur (Doanh nhân) nghiên cứu và khảo sát về các nhân vật có “máu mặt” trên thương trường để rút ra một số kinh nghiệm trong việc loại bỏ một số thói quen tác động không tốt đến chuyện làm ăn.
Ngoài thói quen sinh hoạt hàng ngày nhử làm việc, ăn uống và tiết kiệm, những thói quen trong suy nghĩ cũng khiến kết quả kinh doanh của bạn không được như ý.
Sau đây là một số thói quen trong suy nghĩ mà các doanh nhân thành đạt chia sẻ:
Hãy chú ý đến chi tiết về sự thật, đừng quá quan tâm đến câu chuyện
Giả dụ cách đây 2 tuần bạn nói với giám đốc kinh doanh rằng kết quả kinh doanh trong công ty đang đi xuống và yêu cầu vị giám đốc này phải tăng doanh số trong thời gian tới.
Sau hôm đó, giám đốc kinh doanh đã vắng mặt trong cuộc họp hàng tuần về doanh số bán hàng trong công ty. Chắc chắn rằng khi đó trong đầu bạn sẽ xuất hiện suy nghĩ là: chắc giám đốc kinh doanh không hài lòng và chắc cô ta/anh ta đang tìm kiếm công việc khác ở đâu đó, có lẽ cô ta/anh ta chẳng còn quan tâm tới chuyện họp hành.
Đó là câu chuyện đang diễn ra trong tâm trí bạn, nhưng sự thật chưa chắc đã phải như vậy. Thế nên người lãnh đạo cần phải suy xét đâu là sự thật.
Chi tiết về sự thật là bạn đã yêu cầu vị giám đốc này tăng doanh số bán hàng, vậy hãy kiểm tra doanh số bán hàng trong 2 tuần vừa qua sau khi bạn đề nghị cô ta/anh ta. Đừng vì chuyện bỏ lỡ 2 cuộc họp hàng tuần và “mô phỏng” câu chuyện theo như cách vẫn thường diễn ra trong đầu bạn.
Các câu chuyện luôn tạo cảm xúc, và cảm xúc đó sẽ thôi thúc hành động, và hành động khi chưa chín chắn có thể sẽ phản tác dụng so với những gì mình mong muốn. Vì thế, nếu là người lãnh đạo thông minh, bạn sẽ phải học cách phá bỏ cách “dựng chuyện” trong đầu mình và phải tách bạch giữa chi tiết về sự thật với câu chuyện, sau đó hãy đưa ra phán xét hay quyết định.
Hãy chỉ tin những gì mà bạn tin
Hầu hết mọi người xây dựng niềm tin dựa theo số đông hay theo những nếp nghĩ đã được hình thành sẵn trong đầu. Tuy nhiên, trong cuộc sống, đôi khi không phải những gì mọi người tin đều đúng. Là doanh nhân, bạn cần phải tin vào chính mình, chỉ tin những gì mình tin, chứ không nên theo đa số.
Trong quá trình xây dựng doanh nghiệp có một yếu tố không thể thiếu được, đó là sự sáng tạo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn luôn phải tự đặt nghi vấn về niềm tin của mình: Tại sao tôi lại tin?
CEO của Zappos – doanh nhân Tony Hsieh – đã từng không tin rằng mọi người sẽ không bao giờ mua giày dẹp qua mạng bởi họ không thể mua giày mà không đi thử xem có vừa hay không. Tony Hsieh đã phá vỡ niềm tin ấy bởi doanh nhân này tin rằng người ta vẫn sẽ cứ mua giày trực tuyến mà không cần thử, và đó chính là lý do khiến Zappos ra đời.
Steve Jobs cũng chẳng tin chiếc điện thoại chỉ dùng để nghe và gọi. Ông tin rằng chiếc điện thoại còn là một cái máy tính, một chiếc camera và đồng thời là một chiếc máy nghe nhạc, và vị doanh nhân này đã chứng minh niềm tin của ông là đúng.
Có lẽ việc phá vỡ một niềm tin của nhiều người sẽ rất khó khăn, nhưng đó là việc một doanh nhân giỏi có thể làm được, và như thế sự nghiệp mới thăng tiến được.
Đừng bỏ ngoài tai những lời chỉ trích |
Đừng “phớt lờ” những chỉ trích
Để xây dựng “đế chế” trong kinh doanh, bạn phải tận dụng mọi ý tưởng xuất hiện trong đầu để biến nó thành hiện thực. Một trong những thói quen khó bỏ nhất chính là bạn luôn cho rằng mình tốt hơn những gì mọi người đang nghĩ.
Khi một ai đó, nhân viên của bạn hay khách hàng của bạn, nói với bạn rằng sản phẩm, dịch vụ hay thái độ của bạn chưa đủ tốt, thông thường bạn sẽ biện hộ cho mình. Là doanh nhân mới khởi nghiệp, bạn hãy lắng nghe trước đã, đừng vội thanh minh hay giải thích trước khi bạn tìm ra câu trả lời chắc chắn cho những thắc mắc hay chỉ trích từ nhân viên, khách hàng.
Giả sử bạn nhận được 500 đánh giá của khách hàng, trong số đó 499 người khen và 1 người chê. Đừng vội tin rằng sản phẩm hay dịch vụ của mình thế là quá tốt. Hãy đọc kỹ đánh giá từ khách hàng duy nhất chỉ trích kia để tìm hiểu xem họ nói gì và tại sao họ lại nói như vậy. Một quan điểm phê bình đáng giá bằng 500 lời khen cộng lại./.