Chuyển đổi số - Kinh tế số
Sử dụng AI có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục
Hưng Anh - 18/06/2024 11:44
Không quá lời khi nói rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình lại thế giới, trong đó có giáo dục. Vì thế, sử dụng AI như thế nào để có trách nhiệm và trở thành “chất xúc tác” cải thiện chất lượng dạy và học là vấn đề cần bàn đến.

AI - con dao 2 lưỡi

Theo thống kê, có đến hơn 50% trường học trên thế giới hiện nay dựa vào AI để hỗ trợ hành chính. Cùng với đó, nghiên cứu cho thấy phương pháp học tập với AI đem lại nhiều hiệu quả.

Xu hướng AI thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng trong e-Learning bằng cách cải thiện mức độ tương tác của sinh viên thông qua các khóa học tùy chỉnh, bài giảng trực tuyến, lớp học kết hợp trò chơi để nâng cao kỹ năng... Đó là lý do thị trường giáo dục AI toàn cầu được dự đoán sẽ vượt 20 tỷ USD vào năm 2027.

AI trong giáo dục cho thấy những lợi ích vô hạn, như giúp giáo viên trong việc chấm điểm, duy trì báo cáo...

Nhưng công nghệ AI phát triển nhanh chóng khi được ứng dụng vào các công cụ chatbot, tạo hình ảnh, nhân bản giọng nói..., làm dấy lên mối lo ngại về khả năng tạo ra những hình ảnh giả và những thông tin sai lệch.

Bàn về vấn đề này, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman cũng đã cảnh báo, công nghệ AI đang gây ra “nguy cơ hiện hữu” đối với nhân loại, nên cần thành lập một cơ quan giám sát quốc tế.

Nguy cơ dễ nhìn thấy nhất là con người sẽ phụ thuộc vào AI một cách thái quá. Mọi thông tin của chúng ta đều được nạp vào AI và sử dụng trên không gian mạng, nên việc đảm bảo tính cá nhân, riêng tư rất mong manh.

AI cũng là "con dao hai lưỡi" trên thị trường lao động khi đối tượng lao động có trình độ học vấn thấp dễ dàng mất việc làm do công việc được tự động hóa.

Trong giáo dục, AI có thể tạo ra sản phẩm học tập (bài kiểm tra, luận văn...) một cách gian lận. Điển hình nhất là câu chuyện về ChatGPT. Cửa hàng sách trực tuyến Kindle của Amazon hiện có hơn 200 cuốn e-book đề tên tác giả là ChatGPT. Trên mạng xã hội TikTok, các video chứa giọng nói giả lập của AI cũng nhận được người dùng yêu thích. Nhiều người đã sử dụng các công cụ AI để giả giọng người nổi tiếng, chính trị gia, tạo ra các đoạn hội thoại như thật.

Sự hợp nhất của AI với hệ thống học tập kỹ thuật số ngày nay đã tạo nên khái niệm học tập hoàn toàn mới: Giáo dục thông minh e-Learning.

Nhận biết lợi - hại của việc sử dụng AI trong giáo dục là vấn đề cần lưu tâm và được nhiều chuyên gia phân tích, nhằm định hướng đúng đắn để gia tăng chất lượng dạy và học, tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra.

Sử dụng AI như chất xúc tác cải thiện giáo dục

Trước những hiệu quả vượt trội mà AI mang đến cho ngành giáo dục, các doanh nghiệp đang đầu tư hàng tỷ USD cho phát triển ứng dụng giáo dục, người máy, công cụ hỗ trợ ảo, máy học... Ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đưa AI vào kế hoạch nghiên cứu và phát triển.

AI được sử dụng để “cá nhân hóa học tập” với những phần mềm giáo dục được cá nhân hóa cho từng người học theo những phương pháp khác nhau và điều chỉnh theo quy trình hợp lý nhất để giảm thiểu gánh nặng kiến thức.

Các lớp học ảo với việc tạo ra quy trình giảng dạy phù hợp, có thể đảm nhận việc kiểm tra bài tập về nhà, chấm điểm bài kiểm tra, duy trì báo cáo, thuyết trình...

Bên cạnh đó, AI và máy học còn có khả năng giúp giáo viên và chuyên gia nghiên cứu sáng tạo ra nội dung để phù hợp, thuận tiện cho việc giảng dạy và học tập, cung cấp những yếu tố trực quan, kích thích trải nghiệm thực tế về môi trường học tập dựa trên web. Công nghệ này giúp hiển thị hình ảnh 2D - 3D, nơi học sinh có thể nhận thức thông tin theo nhiều cách.

Nhờ ứng dụng công nghệ AI trong giáo dục, giờ đây, thông tin có thể được cung cấp cho học giả toàn cầu. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, hơn 60% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục phát triển ứng dụng học tập dựa trên AI/máy học được hỗ trợ bởi các công cụ và tính năng hiện đại như hỗ trợ đa ngôn ngữ (giúp dịch thông tin sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, tạo sự thuận tiện cho người bản địa trong việc dạy và học).

AI còn đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết giảng cho học giả khiếm thị hoặc khiếm thính.

Theo nghiên cứu của ngành, e-Learning toàn cầu dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 9,1% vào năm 2026.

Mọi người trên toàn thế giới đang chọn tham gia các khóa đào tạo từ xa để có thể học tập bất kỳ nơi đâu. Tại đây, chatbot AI giải quyết các vấn đề thường gặp của người dùng, cung cấp giải pháp tức thời, quyền truy cập vào tài liệu học tập cần thiết và hỗ trợ 24/7.

Tin liên quan
Tin khác