Sửa Luật Đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nhưng khó khăn, vướng mắc thì lại ở địa phương. Chính vì thế, những chiếc ghế trống tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo luật vô cùng quan trọng này khiến Bộ trưởng Trần Hồng Hà rất thất vọng.
Sau khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - dự án luật lập kỷ lục về số lần xin lùi thời hạn trình Quốc hội - chính thức được công bố, chỉ chưa đầy một tuần, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã hai lần đích thân chủ trì hội thảo lấy ý kiến.
Lần thứ nhất diễn ra tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng là hội thảo đầu tiên lấy ý kiến, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lắng nghe góp ý của các luật sư, đại diện doanh nghiệp liên tục trong 3 giờ đồng hồ. Hội trường kín chỗ với gần 300 đại diện doanh nghiệp. Nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng, đánh giá cao sự cầu thị của Ban Soạn thảo khi đích thân Trưởng ban - Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì lấy ý kiến.
Hội thảo ngày 8/8/2022, quy mô khách mời có lẽ còn đông hơn, với giấy mời được gửi đến đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và 25 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.
Hội trường vẫn được bố trí bàn tròn để tạo ra sự gần gũi giữa các vị chủ trì và khách mời. Đương nhiên, những vị giữ trọng trách cao hơn được bố trí ngồi gần chủ toạ hơn với biển tên trang trọng.
Thế nhưng, chỉ có 4 vị phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Hà Nam, Lai Châu, Lào Cai) có mặt. Vị trí đầu hàng ghế thứ nhất đề tên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội (nơi tổ chức hội thảo), cũng trống không.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói, cảm xúc của ông là buồn và thất vọng, bởi việc xây dựng pháp luật về đất đai đương nhiên do Bộ chủ trì, nhưng vướng mắc thì ở địa phương. Vì thế, ông rất mong muốn hội thảo có sự hiện diện của những vị có trách nhiệm, nghe các vị nói lên tiếng nói của địa phương để sửa luật cho sát với đòi hỏi của thực tiễn.
“Tôi không biết lý do vắng là gì, nhưng như vậy là rất thiếu trách nhiệm”, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
“Rất thiếu trách nhiệm” là cụm từ sau đó tiếp tục được ông Trần Hồng Hà nhắc lại, vì theo ông, ở địa phương, để xảy ra tình trạng ra văn bản không sát với thực tế chính là vì không quan tâm đến thể chế một cách đến nơi, đến chốn. Trong khi đó, đất đai là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, quản lý đất đai thì rất rộng, mà thực tế còn vô vàn vướng mắc, khó khăn.
Nhận định của Bộ trưởng được chứng minh ngay sau đó từ chính phát biểu của các địa phương. Nào là, hiện tại rất nhiều quy định mâu thuẫn chồng chéo, mỗi luật quy định một cách nên rất khó áp dụng. Thế nhưng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn tiếp tục có những quy định rất khó thực hiện. Như quy định quy hoạch thể hiện thông tin đến từng thửa đất là không thể làm được với điều kiện hiện nay. Rồi việc cho phép doanh nghiệp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng các loại đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại gặp rất nhiều vướng mắc. Ngoài ra, tiêu chí, điều kiện về đấu thầu dự án có sử dụng đất quy định dự án có quy mô diện tích từ 100 ha trở lên sẽ rất khó cho địa phương...
Khó khăn, vướng mắc trong chính sách đất đai thì kể cả ngày cũng không hết. Thế nhưng, đa số đại biểu dự hội thảo chỉ là cấp sở, cấp phòng trực thuộc huyện, trong khi cấp sở chỉ có thể tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ra quyết định về vấn đề quản lý đất đai tại địa phương.
“Nếu lãnh đạo tỉnh cũng không quan tâm đến thể chế về đất đai, thì anh em tham mưu chịu sức ép rất lớn. Pháp luật phù hợp với thực tiễn, thì mọi việc hanh thông, còn không sát thực tiễn thì rất khó khăn. Thế nhưng, hội nghị này lại thiếu rất nhiều đại diện các tỉnh”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục bày tỏ sự thất vọng.
Tất nhiên, chất lượng sửa đổi Luật Đất đai không phụ thuộc quá nhiều vào nguyên nhân dẫn đến nỗi thất vọng của Bộ trưởng Hà. Nhưng sự thất vọng của ông là có lý. Bởi bên cạnh những bất cập của luật, thì sự “vô cảm” của cán bộ, đặc biệt là của những người có - trách - nhiệm, đã “đóng góp” không nhỏ vào tỷ lệ đơn thư khiếu kiện về đất đai luôn chiếm gần 70% tổng số đơn thư khiếu kiện trong những năm gần đây.
Bởi thế, có trách nhiệm ngay từ khâu đóng góp ý kiến để hoàn thiện thể chế là việc không thể xem nhẹ. Sự thiếu trách nhiệm ban đầu rất dễ trở thành lực cản đưa pháp luật vào cuộc sống, khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Khi đó, sự thất vọng sẽ không còn là của riêng Bộ trưởng Trần Hồng Hà, như hôm nay.