Doanh nghiệp
Sữa chua Vinamilk tới Trung Quốc; Lộ diện cổ đông lớn của Viettel Construction; Xanh SM Bike đến TP.HCM
Khánh An tổng hợp - 30/09/2023 08:55
Vinamilk đưa sữa chua tới tỷ dân Trung Quốc; Thaco lãi ngàn tỷ nửa đầu năm 2023; MWG thu hẹp đà giảm doanh thu; Hưng Thịnh Incons sẽ rót vốn vào Amata Đồng Nai; Chủ tịch Digiworld thành cổ đông lớn của Viettel Construction; Khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon...

Vinamilk đưa sữa chua made in Vietnam tới tỷ dân Trung Quốc

CTCP Sữa Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu – phân phối sữa và nông sản tại Trung Quốc, để đưa sản phẩm sữa chua Vinamilk vào thị trường tỷ dân này.

CTCP Sữa Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu – phân phối sữa và nông sản tại Trung Quốc

Hợp tác mở ra cơ hội lớn để các sản phẩm sữa chua “made in Vietnam” hiện diện và tạo vị thế riêng tại Trung Quốc.

Lễ ký kết và trao biên bản ghi nhớ hợp tác diễn ra dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cao nhất hai thành phố Hà Nội và Quảng Châu (Trung Quốc) trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch thành phố Hà Nội tại Trung Quốc.

Cú bắt tay của ba “ông lớn” trong sản xuất – nhập khẩu – phân phối các sản phẩm sữa

Theo nội dung ghi nhớ hợp tác, Vinamilk sẽ sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm sữa chua với chủng loại và chất lượng theo thỏa thuận giữa các bên. Danh mục sản phẩm hợp tác sẽ được nghiên cứu và phát triển kỹ lưỡng, để mang đến những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu ngày càng khắt khe của thị trường Trung Quốc.

Hai đối tác Trung Quốc chịu trách nhiệm nhập khẩu, xây dựng và phát triển hệ thống phân phối; đăng ký lưu hành sản phẩm theo pháp luật để phân phối sản phẩm Vinamilk trên thị trường này. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ phối hợp với Vinamilk cùng thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại theo thỏa thuận giữa các bên tại từng thời điểm.

Chia sẻ về lý do chọn Vinamilk làm đối tác cung cấp sản phẩm sữa chua tại Việt Nam, ông Ye Can Jiang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Chợ sỉ về Rau quả Quảng Châu Giang Nam, cho biết: “Nhiều người dân tại đất nước chúng tôi đã dùng và yêu thích sản phẩm sữa chua Vinamilk khi du lịch Việt Nam hoặc do một số thương nhân đưa sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Vì vậy, ngay từ khi nghị định thư mở đường cho việc xuất khẩu các sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, tôi đã luôn mong muốn có cơ hội hợp tác với Vinamilk để đưa sản phẩm sữa chua của thương hiệu này nhập khẩu theo con đường chính ngạch”.

Đây là công ty quản lý chợ sỉ lớn nhất tại tỉnh Quảng Đông chuyên phân phối các mặt hàng thực phẩm nông sản khắp Trung Quốc.

Đối tác còn lại là nhà nhập khẩu, phân phối các mặt hàng thực phẩm, am hiểu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Đây cũng chính là nhà phân phối đã giúp sản phẩm sữa đặc Ông Thọ của Vinamilk trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng Trung Quốc, hiện diện tại chuỗi các nhà hàng, quán trà sữa, cà phê hoặc trong gian bếp của nhiều gia đình.

Hợp tác lần này với 2 doanh nghiệp nhiều năm kinh nghiệm và có hệ thống phân phối rộng tại Trung Quốc, Vinamilk có thể rút ngắn tối đa thời gian đưa sản phẩm từ nhà máy sản xuất đến tay người tiêu dùng, trong điều kiện bảo quản lý tưởng nhất.

Với dân số khoảng 1,4 tỷ người, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu các sản phẩm sữa lớn nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu hơn 10 tỷ USD/năm. Sữa chua là một trong những sản phẩm đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ngành sữa Trung Quốc, với doanh thu tăng trưởng kép khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2023 - 2029 và dự kiến đạt mốc hơn 73 triệu USD vào năm 2029, theo dự báo của Mordor Intelligence.

Thaco lãi sau thuế hơn ngàn tỷ nửa đầu năm 2023, nợ phải trả gần 115 ngàn tỷ

Theo công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, nửa đầu năm nay, CTCP Tập đoàn Trường Hải ghi nhận lãi sau thuế 1 076 tỷ đồng, giảm hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thời điểm cuối quý II/2023, tổng tài sản của Thaco đạt 164.813 tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm

Tính đến cuối tháng 06/2023, vốn chủ sở hữu của Công ty đạt 50.095 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 1,8 lần của cùng kỳ năm trước lên 2,29 lần. Theo đó, Thaco có nợ phải trả lên đến hơn 114,7 ngàn tỷ đồng; tổng tài sản vào khoảng 164,8 ngàn tỷ đồng.

Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu ở mức 0,16 lần. Tỷ suất sinh lời ROE đạt 2,1%, giảm đáng kể so với 9,9% của cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, Thaco lãi sau thuế 7.420 tỷ đồng và năm 2021 lãi 5.294 tỷ đồng

Tại thời điểm cuối quý II/2023, tổng tài sản của Thaco đạt 164.813 tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm và chỉ xếp sau Vingroup (599.177 tỷ đồng) và Hòa Phát (176.243 tỷ đồng). So sánh với các tập đoàn tư nhân lớn ở Việt Nam, quy mô tổng tài sản của Thaco cao hơn so với Masan Group (140.858 tỷ đồng), Sovico Group (159.988 tỷ đồng).

MWG tiếp tục thu hẹp đà giảm doanh thu trong tháng 8

Chuỗi Bách hóa Xanh tiếp tục là điểm sáng của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) khi doanh thu vẫn tăng trưởng 10% trong 8 tháng đầu năm. Trong tháng 8, MWG đạt 9.965 tỷ đồng doanh thu, giảm 4,3% so với cùng kỳ nhưng tăng 1,6% so với tháng trước. Đến nay, Công ty vẫn giữ kín lợi nhuận.

Trong tháng 8, MWG đạt 9.965 tỷ đồng doanh thu, giảm 4,3% so với cùng kỳ nhưng tăng 1,6% so với tháng trước

Xét về cơ cấu chuỗi, tổng doanh thu hai chuỗi cửa hàng Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX) đạt khoảng 6.800 tỷ đồng trong tháng 8, tương đương tháng 7 trước đó.

MWG cho biết tốc độ giảm doanh thu của hai chuỗi này so với cùng kỳ đang liên tục thu hẹp qua các tháng gần đây, từ mức giảm 25% (tháng 6/2023 so với cùng kỳ) xuống còn 13% (tháng 8/2023 so với cùng kỳ).

Theo ngành hàng, máy tính xách tay và sản phẩm điện lạnh ghi nhận doanh số tháng 8 tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Đối với chuỗi Bách hóa Xanh (BHX), doanh thu đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và tăng nhẹ so với tháng 7 trước đó.

MWG cho biết mức tăng trưởng của BHX đến chủ yếu từ số lượng hóa đơn mua hàng (tăng 4% so với tháng 7/2023) và ngành hàng thực phẩm tươi sống (tăng 10%).

Doanh thu 8 tháng giảm 17% so với cùng kỳ

Lũy kế 8 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần gần 76.455 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ và thực hiện được 57% kế hoạch năm.

Trong đó, chuỗi cửa hàng TGDĐ và ĐMX đóng góp 55.100 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Còn chuỗi cửa hàng BHX mang lại 19.400 tỷ đồng, tăng 10%.

Về kênh online, doanh thu lũy kế giảm 21% so với cùng kỳ và chiếm 13% tổng doanh thu của MWG.

Tính tới cuối tháng 8/2023, MWG đang vận hành 1.171 cửa hàng TGDĐ (có cả Topzone); 2.286 cửa hàng ĐMX; 1.706 cửa hàng BHX; 540 nhà thuốc An Khang và 67 cửa hàng Ava Kids.

Hưng Thịnh Incons sẽ rót vốn vào Amata Đồng Nai

CTCP Hưng Thịnh Incons công bố nghị quyết HĐQT ngày 26/9 thông qua việc triển khai phương án chào bán hơn 89,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được quyền mua 1 cổ phiếu phát hành thêm.

Giá chào bán cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 40% so với thị giá của HTN chốt phiên 27/9 (16.800 đồng). Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2023 và ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Hưng Thịnh Incons dự đính dùng 400 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu thương mại Amata tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai

Nếu thành công với phương án phát hành trên, vốn điều lệ của Hưng Thịnh Incons sẽ tăng gấp đôi lên 1.782 tỷ đồng.

Về phương án sử dụng vốn, với số tiền 891 tỷ đồng dự kiến thu được, Công ty sẽ dùng 400 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu thương mại Amata tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai; 34 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 99% cổ phần của CTCP Đầu tư Thương mại Kim Lan với giá mua tối đa là 10.000 đồng/cp.

Gần 457 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động thi công xây dựng công trình tại các dự án của công ty.

Liên quan đến giao dịch cổ phiếu HTN, mới đây, CTCP Hưng Thịnh Investment đã đăng ký bán hơn 5,8 triệu đơn vị, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại Hưng Thịnh Incons từ 20,59% (18,3 triệu cổ phiếu) xuống 14,03% (12,5 triệu cổ phiếu). Giao dịch dự kiến diễn ra từ 29/9-28/10 bằng phương thức thoả thuận.

Trước đó, trong giai đoạn cuối tháng 6, đầu tháng 7/2023, Hưng Thịnh Investment đã bán thoả thuận thành công hơn 3 triệu cổ phiếu HTN, giảm sở hữu từ 24,04% xuống 20,59%.

Hưng Thịnh Investment và Hưng Thịnh Incons đều là thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh. Hiện ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT HTN đang là cổ đông lớn tại Hưng Thịnh Investment. Ông Trung hiện cũng là Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh.

Về tình hình kinh doanh của Hưng Thịnh Incons, trong quý 2 vừa qua, Công ty ghi nhận 1.570 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận sau thuế 48 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp mang về 2.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 31,4 tỷ đồng.

Năm nay, Hưng Thịnh Incons đặt mục tiêu 4.200 tỷ đồng doanh thu và 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, kết thúc nửa năm tài chính, HTN đã hoàn thành lần lượt 47% mục tiêu doanh thu và 62% kế hoạch lợi nhuận.

Chủ tịch Digiworld thành cổ đông lớn của Viettel Construction

Chủ tịch Digiworld  Đoàn Hồng Việt đã chi khoảng hơn 100 tỷ đồng để nâng sở hữu tại công ty "họ Viettel", hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư hạ tầng, công nghệ thông tin... Ông Việt đã mua vào hơn 1,4 triệu cổ phiếu CTR, qua đó nâng số lượng sở hữu lên hơn 2,8 triệu cổ phiếu, chiếm 2,46% vốn tại CTR.

Năm 2023, Viettel Construction đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.338 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 487 tỷ đồng

Với việc Công ty TNHH Created Future – tổ chức do ông Việt làm Chủ tịch Hội đồng thành viên cũng đang nắm 3 triệu cổ phiếu CTR (tỷ lệ 2,62%), ông này đã trở thành cổ đông lớn tại Viettel Construction, nắm gần 6 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 5,08% vốn.

CTR là một trong những cổ phiếu có mức giá cao trên thị trường. Mã kết phiên 28/9 ở mức giá 76.600 đồng, tăng 90% so với thời điểm tháng 11/2022.

Ông Đoàn Hồng Việt tăng sở hữu tại Viettel Construction trong bối cảnh công ty này đạt kết quả kinh doanh vượt trội những năm qua. Giai đoạn đại dịch Covid-19, doanh thu và lợi nhuận của CTR vẫn tăng trưởng hai chữ số. Trong đó, doanh thu các năm 2020, 2021 và 2022 lần lượt đạt 6.360 tỷ đồng, 7.447 tỷ đồng và 9.370 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng lũy tiến theo các năm, lần lượt đạt 274 tỷ đồng, 375 tỷ đồng, 443 tỷ đồng.

Năm 2023, Viettel Construction đề ra mục tiêu đạt tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.338 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 487 tỷ đồng, đều tăng 10% so với năm 2022. Nếu hoàn thành kế hoạch này, Viettel Construction sẽ phá kỷ lục lợi nhuận đạt được năm ngoái.

6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 5.040 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỷ đồng, hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và gần 48% mục tiêu lợi nhuận.

Ông Đoàn Hồng Việt được biết đến nhiều với vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số (Digiworld, mã DGW). Ngoài là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH Created Future, ông còn là thành viên HĐQT CTCP Việt Money Holding, thành viên HĐQT CTCP Dược phẩm Đại Tín, Chủ tịch Công ty TNHH MTV DHV. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của Digiworld, Created Future hiện là cổ đông lớn với hơn 53 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 33%.

Xanh SM Bike ra mắt tại TP.HCM

Dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy điện Xanh SM Bike chính thức vận hành tại TP.HCM từ ngày 29/9/2023, hướng tới mục tiêu phủ sóng tại 6 tỉnh, thành phố và mở rộng quy mô lên đến 90.000 xe máy điện ngay trong năm 2023...

Xanh SM Bike chính thức vận hành tại TP.HCM từ ngày 29/9/2023

Kể từ ngày 29/09/2023, khách hàng tại TP.HCM có thể đặt xe và sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy điện Xanh SM Bike thông qua ứng dụng Xanh SM cài đặt trên điện thoại di động.

Toàn bộ xe máy điện được Xanh SM Bike sử dụng là VinFast Feliz S sơn màu xanh Cyan nổi bật. Đây cũng là mẫu xe được tài xế lẫn hành khách đánh giá cao về động cơ mạnh mẽ, khả năng vận hành mượt mà, chỗ ngồi êm ái, thoải mái khi vận hành.

Đặc biệt, kế thừa giá trị cốt lõi của Xanh SM, dịch vụ gọi xe máy điện Xanh SM Bike mang tới trải nghiệm dịch vụ vượt trội cho khách hàng bởi đội ngũ tài xế thân thiện, chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp đầu tiên khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện ở Việt Nam

Công ty cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế.

Tập đoàn CT Group chính thức ra mắt Công ty cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA)

Ngày 29/9, Tập đoàn CT Group chính thức ra mắt Công ty cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA), trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế, đồng thời hướng tới nền kinh tế carbon thấp và có tốc độ phát triển vượt bậc.

Từ tháng 10/2023, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu bắt đầu thực hiện thí điểm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này theo Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM).

Mỹ sẽ là thị trường tiếp theo ban hành cơ chế áp đặt thuế carbon lên các nhà nhập khẩu vào nước này trong năm 2024. Đáng chú ý, sẽ có thêm nhiều quốc gia, thị trường lớn của châu Mỹ và châu Á tiếp cận theo hướng này. Đây là xu thế chung trên toàn cầu mà doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng nhanh, hiệu quả để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và tăng khả năng cạnh tranh về lâu dài.

Trong bối cảnh đó, thị trường carbon được xem là công cụ hữu hiệu và khả thi thực hiện giảm thiểu tác hại tới môi trường, hướng tới phát triển bền vững và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án tín chỉ carbon tại Việt Nam còn khá mới mẻ, chưa nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, cần thiết phải có một đơn vị tư vấn, hướng dẫn quy trình kiểm định và đăng ký tín chỉ carbon.

Theo bà Hoàng Bạch Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn CT Group, trong thế giới toàn cầu hóa, xây dựng thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh là xu thế tất yếu, để tăng năng lực cạnh tranh cấp độ toàn cầu. Đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon mà những thị trường lớn đang áp dụng sẽ đóng vai trò quyết định cho cuộc đua mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Việc CCTPA được kích hoạt ở Việt Nam sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn. Bên cạnh mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và giúp đạt được cam kết Net zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã tham gia vào Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu, CCTPA còn đầu tư nghiên cứu ứng dụng Blockchain cho thị trường carbon, đảm bảo sự minh bạch, tin cậy cao nhất và hiệu quả trong việc quản lý, cấp phát, chuyển giao, tính toán, theo dõi tín chỉ carbon," bà Dương cho biết.

CCTPA sẽ trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam cung cấp thông tin tư vấn đầy đủ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam về cách thức xây dựng dự án tín chỉ carbon, cách thức đăng ký, kiểm định, xác nhận cùng các cơ chế trao đổi, đền bù, vay tín dụng đối với các khoản tín dụng carbon và áp dụng thuế carbon trong khu vực và trên toàn cầu.

CCTPA cũng nghiên cứu đưa ra các giải pháp ứng dụng Blockchain và Crypto cho thị trường carbon, giúp các giao dịch được xác thực, bảo mật và minh bạch, tăng cường sự tin tưởng giữa các bên tham gia. Đây cũng là giải pháp tối ưu và là một hướng đi rất khác biệt...

Tin liên quan
Tin khác