Ảnh minh họa. |
Dự thảo luật rất quan trọng, rất khó, rất phức tạp, song tài liệu gửi quá chậm, quá ít thời gian để nghiên cứu, đó là điều được một số vị đại biểu nhấn mạnh ngay đầu phiên thảo luận về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại nghị trường cuối tuần qua.
Lùi thời điểm thông qua từ kỳ họp thứ tư đến kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện, nên Dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ có những chính sách đủ mạnh, quy định đủ khả thi để có thể tháo gỡ những khó khăn rất lớn của ngành y hiện nay, đặc biệt là về tự chủ bệnh viện và giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Thế nhưng, hai vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) “vẫn còn đang rất loay hoay”.
Điều 108 quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước vẫn để hai phương án.
Phương án 1: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Phương án 2: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, trừ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công tư.
Tương tự, Điều 110 về giá dịch vụ khám bệnh cũng vẫn để hai phương án, nhưng đều giao Chính phủ quy định chi tiết.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, người đang công tác trong ngành y thì giá thu viện phí cần phải phân ra 2 luồng rất rõ ràng.
Luồng thứ nhất là giá thu viện phí được bảo hiểm chi trả. Đây là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị, giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và đặc biệt tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả.
Ông Hiếu nhấn mạnh, đây là một vấn đề rất quan trọng, cần phải nêu rõ trong luật vì đây chính là việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mọi đối tượng. Vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối Quỹ tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc khám, chữa bệnh, luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình.
Vấn đề giá thứ hai là giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu, ông Hiếu nhấn mạnh đây chính là động lực để các bệnh viện và ngành y tế thay đổi và phát triển, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường.
Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như là trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt,... Ngoài ra, việc thanh, kiểm tra, rà soát giá khám, chữa bệnh được công khai giải trình tường minh cũng là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và cơ quan thanh thanh tra, kiểm tra, ông Hiếu phát biểu.
Về tự chủ bệnh viện công, theo vị đại biểu Bình Định thì đây là vấn đề khó nhất nhưng nếu đã giải quyết được về giá khám bệnh theo yêu cầu thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ khá tường minh.
“Đây chính là lối đi của tự chủ, làm tốt, thu được tốt thì đủ tiền để nuôi quân, đủ tiền để đầu tư, phát triển thương hiệu. Theo tôi, luật cần giúp cho bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự như một công ty, nhưng có thêm nhiệm vụ chính trị là chăm sóc sức khỏe cho người dân, trong các tình huống cấp cứu, dù là bệnh viện tự chủ nhưng bệnh nhân vào cấp cứu thì luật quy định là phải khám, chữa bệnh bằng mọi giá mà không phải giá theo yêu cầu”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) và đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, liên quan đến tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh còn chung chung, rất khó thực hiện.
Chẳng hạn, Dự thảo quy định bệnh viện được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự theo quy định của luật.... nhưng không biết pháp luật nào.
Ông Nhân cho rằng, nếu đã không quy định cụ thể thì dự thảo phải nói các nguyên tắc để thực hiện tự chủ. “Còn nếu đợi hướng dẫn của Chính phủ thì không biết sau này hướng dẫn có phù hợp với điều mà đại biểu Quốc hội suy nghĩ và mong muốn không. Vì trong tự chủ tổ chức nhân sự, ngoài bộ máy, biên chế, tuyển dụng, thì còn phải trả lương, nhưng cũng chưa có quy định nào cấp luật về việc này. Nghị định 60/2021/NĐ-CP thì quy định là trả lương theo ngạch, bậc và lương tăng thêm tối đa không quá 2 lần lương cơ sở, điều này không đáp ứng được yêu cầu tự chủ về tổ chức nhân sự”, ông Nhân nói.
Đồng tình với đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, khi đã “tuân thủ quy định pháp luật” thì gần như các đơn vị tự chủ không được khác gì so với những đơn vị không tự chủ. Khi tuyển dụng, sa thải, đề bạt tất cả những yếu tố đó đều phải tuân thủ những quy trình như tuyển dụng viên chức của những bệnh viện không tự chủ và như vậy thì không thể nào tuyển dụng được những nhân sự có chất lượng tốt.
Ngoài ra, nhiều đại biểu còn lo lắng khi có quá nhiều điều giao Chính phủ quy định, lo việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế…
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu, chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.