Dệt may, da giày, đồ gỗ… là những ngành mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam có khả năng gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với các tập đoàn đa quốc gia khác.
| ||
Ông Lê Sỹ Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Vina Graff tham gia xử lý tình huống trong chương trình kỳ này |
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là một điển hình cho việc rốt ráo tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực dệt may. Với tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam từ nay tới năm 2020-2030, Vinatex buộc phải làm cú nhảy vọt về số lượng và chất lượng, bao gồm cả quy mô sản xuất và xuất khẩu, cải thiện giá trị gia tăng của sản phẩm.
Trong đó, mắt xích quan trọng là xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên phụ liệu - may - phân phối.
Theo Vinatex, khi ngành dệt may Việt Nam thực hiện chuỗi cung ứng cho mình, sẽ thoát khỏi thế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu. Tỷ trọng tích lũy của ngành dệt may trong nước sẽ tăng cao.
Từng DN trong Vinatex đang có sự chuẩn bị để liên kết với các khâu trong chuỗi cung ứng, nhằm tận dụng các điều kiện thuận lợi với thuế quan ưu đãi khi các điều kiện của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua. Song quan trọng nhất, DN dệt may phải cam kết xây dựng năng lực cạnh tranh của toàn chuỗi với mục tiêu biến TPP thành cú huých quan trọng cho dệt may Việt Nam tăng trưởng bền vững.
Hiện một số DN lớn thuộc Vinatex đang kết hợp với Công ty Woolmark (Australia) để sản xuất len lông cừu, một trong những loại sản phẩm thời trang cao cấp. Theo đó, năm 2012, Dự án “Việt Nam trên đường hội nhập” ra đời nhằm biến Việt Nam thành trung tâm hàng dệt len lớn của thế giới.
Ông Stuart McCullough, Tổng giám đốc Công ty Woolmark cho biết: “Từ lần đầu ra mắt vào năm 2012, tới nay, Dự án đã thu hút được hơn 50 DN dệt may tham gia. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ các đối tác Việt Nam phát triển và xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất cơ sở trong tương lai”.
Theo giới phân tích, ngành dệt may Việt Nam có thể đầu tư vào các “mắt xích” để có thể nâng cao hiệu quả khi tham gia chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.
Bên cạnh dệt may, vài năm trở lại đây, trong khu vực châu Á, Việt Nam nổi lên là quốc gia có sự cạnh tranh mạnh trong lĩnh vực đồ gỗ và nhiều khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sản phẩm của DN được đánh giá cao trên thị trường quốc tế về chất lượng, mẫu mã và khả năng thay đổi, nắm bắt nhanh thị hiếu của khách hàng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), ngành gỗ Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn do phát triển manh mún, chưa được quy hoạch, doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, thông tin thị trường còn nhiều hạn chế và đặc biệt là những khó khăn từ việc thiếu nguồn cung gỗ, chưa đáp ứng được những đơn hàng lớn.
Theo ông Mạnh, dù các DN đang tìm nhiều giải pháp để hoàn thiện mình, như đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cải tiến công nghệ, máy móc, kỹ thuật hiện đại hay liên doanh, liên kết với các đối tác, đặc biệt là các DN đến từ nước ngoài. Thế nhưng, với xuất phát điểm đều là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực hạn chế, thiếu nhiều kinh nghiệm, nên nỗ lực tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ đang gặp nhiều rào cản. Trong đó, có những DN đã không thể vượt qua và buộc phải chấp nhận với những gì mình có.
Song các DN đối thủ đến từ Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Malaysia đang không ngừng nỗ lực để chen chân vào những dây chuyền phân bố sản phẩm, dịch vụ xuyên lục địa, thì DN Việt không thể đứng ngoài cuộc. Đặc biệt, tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 diễn ra mới đây tại Bali (Indonesia), một trong những nội dung quan trọng được các nhà lãnh đạo cấp cao của các nước cùng nhất trí là đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu cải thiện 10% chất lượng chuỗi cung ứng vào năm 2015.
Để rõ hơn về vấn đề này, DN có thể theo dõi Chương trình Chìa khóa thành công - CEO phiên bản 2013, phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình tuần này sẽ được phát sóng vào 10 giờ sáng Chủ nhật (10/11) và phát lại vào 8 giờ sáng thứ Hai (11/11).
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Chìa khóa thành công - CEO do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Công ty cổ phần Traphaco thông qua nhãn hàng Thuốc bổ não Cebraton.
Vũ Anh