Đầu tư
Sức bật của quán quân PCI năm 2012
Công Minh - 28/05/2013 12:07
Đồng Tháp đang trỗi dậy ấn tượng trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Đặc biệt, năm 2012, Đồng Tháp vươn lên vị trí “quán quân” trong bảng xếp hạng PCI. Vì đâu một tỉnh nghèo, "nằm bên lề của nền kinh tế Việt Nam", lại có sự vươn lên đáng kể như vậy?
TIN LIÊN QUAN

Nhất quán chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp

Người khởi xướng và thực hiện khá triệt để chủ trương này phải kể đến ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Việc xem doanh nghiệp là đối tượng quản lý sang đối tác để đồng hành khiến nhiều cán bộ, công chức rất bỡ ngỡ, cảm thấy “mất quyền”, nên níu kéo và chần chừ trong quá trình thực hiện. Nhưng với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong cải cách kinh tế, nâng cao hình ảnh địa phương, chủ trương này đã dần trở thành nếp nghĩ trong mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền.

“Khai thông về mặt tư tưởng chính là yếu tố quan trọng cho sự thành công”, ông Hoan chia sẻ.

Đồng Tháp tập trung khá nhiều nhà máy chế biến thủy sản

Cũng từ đây, doanh nghiệp được quan tâm nhiều hơn, khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời; các cơ chế, chính sách được ban hành linh hoạt và thông thoáng hơn; môi trường đầu tư thuận lợi đã thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Bức tranh kinh tế trở nên khởi sắc.

“Đó chính là sự khích lệ to lớn cho việc đổi mới và cải cách kinh tế”, Chủ tịch Lê Minh Hoan phấn khởi nói.

Liên kết để vươn xa

Hiện tại, Đồng Tháp là nơi đứng chân của nhiều doanh nghiệp mang thương hiệu quốc gia như: Công ty CP dược phẩm Imexpharm, Công ty CP xuất nhập khẩu y tế Domesco, Công ty CP Vĩnh Hoàn…

Không chỉ tạo điều kiện để các doanh nghiệp đã đầu tư phát triển sản xuất, địa phương còn tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp từ các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã chọn Đồng Tháp là điểm đến để đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Từ năm 2011 đến nay, Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà đã đầu tư tại Đồng Tháp 06 nhà máy chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong tháng 3/2013, Công ty tiếp tục khởi công nhà máy thứ 7, với vốn đầu tư 150 tỷ đồng, công suất hoạt động 1.000 tấn/ngày. Ông Đoàn Văn Hiền, Giám đốc Công ty này chia sẻ: “Đến đây mọi vướng mắc đều được tháo gỡ nhanh chóng, giúp doanh nghiệp triển khai nhanh nhiều dự án chỉ trong thời gian ngắn”.

Cũng theo ông Hiền, không chỉ tạo điều kiện triển khai dự án, tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm vùng nguyên liệu, tạo mối liên kết trong sản xuất. Chính vì thế, năm 2012, công ty đã xuất khẩu được 500.000 tấn gạo, bao tiêu lúa hàng hoá trên diện tích 2.700ha, với sản lượng hơn 19.300 tấn.

Theo ông Khúc Quang Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp, trong quý I/2013, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án, vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng, bằng với tổng vốn năm 2012 và nâng số dự án trên địa bàn tỉnh ở thời điểm hiện tại lên 163 dự án, vốn đầu tư trên 17.000 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế - ông Dũng nói.

Không dừng lại ở đó, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, cùng với doanh nghiệp tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tìm hiểu và mở rộng thị trường ở các nước lân cận như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar; tổ chức tiếp xúc với Đại sứ các nước Hà Quốc, Hà Lan, Nigeria.

Đặc biệt, Đồng Tháp vinh dự một trong hai địa phương phía Nam được các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhiệm kỳ 2013 – 2016 với trên 20 tân Đại sứ và Tổng lãnh sự đến tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, các sản phẩm chủ lực, hệ thống chính sách ưu đãi, nhu cầu xúc tiến thương mại và đầu tư.

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh, hội nhập để thúc đẩy phát triển kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh và hy vọng các đại sứ sẽ là cầu nối để chính quyền và doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội hợp tác, vươn ra hội nhập quốc tế, đặc biệt là trên lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, đầu tư kết cấu hạ tầng và quảng bá hình ảnh của địa phương.

Nhận định thú vị về thành công trong cải cách kinh tế

Dự án nghiên cứu “Động lực thúc đẩy cải cách kinh tế tại các tỉnh ở Việt Nam” do Viện nghiên cứu phát triển của Đại học Sussex, Vương quốc Anh hợp tác cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố tháng 6 năm 2012 đưa ra nhận định thú vị: “Là một tỉnh nghèo, nằm bên lề của nền kinh tế Việt Nam và ít được chính quyền Trung ương quan tâm, thành công của Đồng Tháp là một câu chuyện khá bất ngờ”.

Tinh thần tự lực, tự cường mạnh mẽ cộng với sự đồng thuận giữa các cấp chính quyền của tỉnh đã thúc đẩy Đồng Tháp tiến lên phía trước, đồng thời nhận định, lãnh đạo Tỉnh ủy với tầm nhìn năng động về kinh tế địa phương; UBND tỉnh và các sở, ban, ngành sẵn sàng chuyển biến tầm nhìn này thành hành động thông qua liên kết chặt chẽ với khu vực tư nhân, mối quan hệ tốt giữa chính quyền và doanh nghiệp đem lại những thành tựu đáng kể trong cải cách – Báo cáo này đưa ra kết luận.

Với thái độ cầu thị, chắt chiu từng cơ hội của doanh nghiệp và nhà đầu tư, ông Hoan cam kết sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình điều chỉnh, cải tiến mối quan hệ hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp để tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn nữa trong thời gian tới. Trước mắt, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư trước, trong và sau khi thực hiện dự án, đồng thời khẩn trương vận hành cơ chế một cửa giải quyết các thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư nằm ngoài khu công nghiệp.

Với tầm nhìn năng động, Đồng Tháp đã có những trải nghiệm thành công trong cải cách kinh tế, tạo ra sức hấp dẫn riêng để hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi toàn cầu, tiếp tục đưa địa phương phát triển lên tầm cao mới.

Tin liên quan
Tin khác