Với năng lực tiếp nhận tàu tải trọng 100.000 tấn, cảng quốc tế Mỹ Thủy sẽ góp phần quan trọng vào việc trung chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. |
Điểm đến mới đầy tiềm năng
Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị được thành lập theo Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg, ngày 16/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, diện tích tự nhiên 23.792 ha, là KKT biển đa ngành, điểm đột phá của tỉnh Quảng Trị; đồng thời được xác định là một cực phát triển, trung tâm lớn về công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện năng, du lịch, thương mại dịch vụ và cảng biển nước sâu của miền Trung.
Ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung đánh giá, KKT Đông Nam Quảng Trị là một trong 7 KKT ven biển động lực của khu vực miền Trung, có mặt bằng rộng, cơ chế ưu đãi tốt nhất hiện nay. Đặc biệt, tại đây đang hình thành một số dự án lớn, có tính động lực, như các dự án năng lượng, điện khí của Tập đoàn Gazprom (Nga), cảng biển nước sâu, du lịch, dịch vụ…
Bên cạnh đó, Quảng Trị đang kêu gọi 3 nhà đầu tư lớn đến từ Singapore, Thái Lan và Nhật Bản liên doanh nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp quy mô lớn, chiến lược, hiện đại. Đây sẽ là địa chỉ đầu tư mới, hấp dẫn, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Về kết quả thu hút đầu tư, ông Trần Quang Trung, Phó trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Trị cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, tại KKT Đông Nam Quảng Trị có 5 dự án đầu tư được cấp chủ trương, với tổng vốn đăng ký trên 4.000 tỷ đồng.
Lũy kế đến ngày 15/8/2020, tại KKT có 38 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 81.000 tỷ đồng (trong đó, 14 dự án đã đi vào hoạt động, 24 dự án đang triển khai xây dựng). Ngoài ra, còn có 48 dự án đang nghiên cứu, làm thủ tục đầu tư tại KKT với tổng vốn đăng ký đầu tư dự kiến 226.314 tỷ đồng.
Tuy thành lập sau so với một số KKT trên cả nước, nhưng KKT Đông Nam Quảng Trị đã được tỉnh Quảng Trị huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư hạ tầng, tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu. Từ đó, KKT đã thu hút được một số dự án kinh tế động lực.
Nhìn nhận rõ vai trò của KKT Đông Nam Quảng Trị, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương hoàn thành đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết một số khu vực để có cơ sở quản lý quy hoạch và quản lý đất đai.
Đồng thời, Quảng Trị cũng xây dựng kế hoạch cụ thể, lập danh mục các dự án để xúc tiến kêu gọi đầu tư, kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư xây dựng một khu động lực phát triển kinh tế năng động, hấp dẫn.
Kỳ vọng từ các dự án động lực
Thế giới đang chịu tác động tiêu cực của Covid-19, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang trong giai đoạn khó khăn, ảnh hưởng đến công tác thu hút FDI của Việt Nam nói chung và các KKT, khu công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Dương, với những dự báo về xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI trên thế giới hậu Covid-19, thì Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm cơ sở mới cho việc chế biến, sản xuất, cung ứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Dương cũng chỉ ra những lĩnh vực có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư tại Quảng Trị như: sản xuất, nguyên liệu thô, silicat, khí đốt, dầu lửa cho các dự án năng lượng; chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng; các dự án du lịch, dịch vụ, logistics; các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục và hạ tầng…
Chia sẻ về định hướng thu hút đầu tư của địa phương, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, những năm gần đây, với chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, KKT Đông Nam Quảng Trị đã thu hút được hàng chục dự án lớn của các tập đoàn trong và ngoài nước đến khảo sát và xúc tiến triển khai, đặc biệt là các tập đoàn đầu tư trong lĩnh vực năng lượng nhiệt điện, điện khí và công nghiệp sản xuất, chế tạo.
Đặc biệt, trong năm 2019, KKT Đông Nam Quảng Trị đón nhận 2 dự án có vốn đầu tư lớn là Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 (công suất thiết kế 1.320 MW, được đầu tư bởi Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan, tổng vốn đầu tư trên 55.000 tỷ đồng) và Dự án Xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy (quy mô 658 ha với 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 100.000 tấn, vốn đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy).
Ông Jung Tae Dung, Chủ tịch Công ty cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy nhấn mạnh, cảng Mỹ Thủy sẽ trở thành cảng biển quốc tế lớn, đặc biệt, với năng lực tiếp nhận tàu tải trọng 100.000 tấn, cảng sẽ góp phần quan trọng vào việc trung chuyển hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.
Ngoài ra, tại KKT Đông Nam Quảng Trị còn một số dự án lớn khác đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư, như: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 2 của Tập đoàn Điện lực miền Tây (Hàn Quốc); Nhà máy Điện khí với công suất 340 MW của Công ty Gazprom (Nga); Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng - Quảng Trị của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T; Nhà máy Điện khí LNG Hải Lăng 1 (Quảng Trị) của Liên danh Công ty TNHH Tài Tâm và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và kinh doanh bất động sản Thăng Long.
Nằm ở vị trí chiến lược, trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, trung điểm của cả nước, kết nối với các nước tiểu vùng sông Mê-kông, Quảng Trị có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo; trồng và chế biến các sản phẩm từ gỗ. Bên cạnh đó, tỉnh còn có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, tâm linh kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng biển, đảo... Đó chính là những tiềm năng và lợi thế so sánh khác biệt của Quảng Trị, tạo cơ hội thu hút đầu tư.
Tại buổi làm việc vào tháng 6/2020, Bộ Công thương cũng đã có ý kiến ủng hộ tỉnh Quảng Trị trong việc phát triển lĩnh vực năng lượng và định hướng trở thành trung tâm năng lượng lớn của khu vực miền Trung.
Trong định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Trị, KKT Đông Nam Quảng Trị luôn giữ một vai trò quan trọng. Ông Hà Sỹ Đồng cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định tập trung đầu tư xây dựng và phát triển trục kinh tế kết nối KKT Đông Nam Quảng Trị với hành lang kinh tế Đông Tây và KKT Thương mại đặc biệt Lao Bảo, KKT cửa khẩu La Lay. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tích cực thu hút nguồn vốn FDI và các nguồn vốn khác để từng bước đầu tư hạ tầng kỹ thuật KKT Đông Nam Quảng Trị, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, KKT của tỉnh để tạo sức hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng tích cực nhập cuộc tại khu vực ven biển Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy…, như Tập đoàn FLC (Dự án Quần thể khu đô thị nghỉ dưỡng khoảng 700 ha ở Gio Linh); Tập đoàn AE Corp (Dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Resort Cửa Tùng, qui mô 36 ha, tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng...);
Tập đoàn T&T (Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải thuộc Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, tổng vốn đầu tư hơn 1.650 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý IV/2021)… Ngoài ra, một số nhà đầu tư tên tuổi như TTC, TMS, Pagas, Apec Corp, Ánh Dương Group… cũng đang xúc tiến, tìm hiểu cơ hội đầu tư hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại khu vực này.