Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Linh Đan |
Nhà đầu tư “đại bàng” đổ bộ
Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đã và đang được trao “lá cờ” về cơ chế phát triển kinh tế biển và sẵn sàng tâm thế “phất” lên. Một trong những nghị quyết đáng chú ý nhất mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra là xây dựng vùng động lực Khu kinh tế Vân Phong.
Khu vực này sẽ trở thành vùng động lực cho Khánh Hòa không chỉ trong vài năm tới và không chỉ cho Khánh Hòa, mà cho cả khu vực Nam Trung bộ. Khu kinh tế Vân Phong sẽ bao gồm khu vực Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa) và Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) với tổng diện tích 150.000 ha (trong đó, 70.000 ha đất liền, còn lại là mặt biển).
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, tại Khu kinh tế Vân Phong đã đón nhận nhiều nhà đầu tư “đại bàng” đăng ký, tìm hiểu đầu tư. Đó là Dự án Nhà máy Nhiệt điện than BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư. Tại Khu công nghiệp Ninh Thủy, hiện có 2 nhà đầu tư, gồm Công ty J-Power đề xuất nhà máy điện khí có công suất 3.000 MW và Tổ hợp các nhà đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn HBRE - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2 - Công ty cổ phần Hoàn Cầu Vân Phong - Công ty TNHH Phousy Group) đề xuất xây dựng nhà máy điện khí LNG Ninh Thủy với công suất 1.500 MW, kết hợp hệ thống chế biến và kho lạnh bảo quản nông, hải sản.
Vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Mellenium (Mỹ) cũng đã có đơn xin đầu tư dự án điện khí hóa lỏng vào Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa). Nếu được chấp thuận, đây sẽ là “siêu dự án”, với tổng vốn đầu tư lên đến 15 tỷ USD.
Dự kiến, giai đoạn I (đến năm 2025), dự án này sẽ đầu tư khoảng 8 tỷ USD). Chủ đầu tư cho biết sẽ nhập khí hóa lỏng từ Mỹ về với khối lượng khoảng 17 triệu m3. Quy mô đầu tư rất lớn, trên diện tích khoảng 360 ha và nhà đầu tư đã đề xuất nâng mức đầu tư lên 22 tỷ USD. Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ làm kho chứa khí hóa lỏng, đường ống dẫn khí, bán khí cho các nhà máy điện trong nước và dẫn khí, bán cho các nước ASEAN.
Tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV vào ngày 16/6/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa, tập trung vào các cơ chế chính sách trong quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.
Về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, Nghị quyết 55/2022/QH15 quy định, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu. Khánh Hòa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ…
Đối với quản lý quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định phân cấp cho UBND tỉnh thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Liên quan quản lý đất đai, Nghị quyết quy định HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha, theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Về phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong như đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistics…; các cơ chế để thu hút nhà đầu tư chiến lược; cơ chế phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án thuộc thẩm quyền của Thủ Tướng Chính phủ (sân bay, cảng biển có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên).
Với phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa, trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Nghị quyết quy định, UBND tỉnh giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư trong nước trong khu vực biển ngoài 6 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý; miễn tiền sử dụng khu vực biển trong 15 năm đối với diện tích khu vực biển được giao để thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản trên biển của tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước có hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển từ 3 hải lý đến 6 hải lý.
Trong khả năng cân đối ngân sách địa phương, HĐND dân tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển…
Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch
Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, tính đến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 155 dự án đầu tư (125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đăng ký khoảng 4,2 tỷ USD.
Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, với tổng mức đầu tư 2,58 tỷ USD, công suất 1.320 MW, là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất tại khu kinh tế này. Đến nay, dự án này đã giải ngân được 65%.
Theo tiến độ, đến tháng 6/2023, nhà máy sẽ vận hành thử Tổ máy số 1, đến quý III - IV/2023 sẽ vận hành thương mại. Khi Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đi vào hoạt động, nguồn thu từ Dự án sẽ đóng góp đáng kể cho ngân sách của tỉnh.
Ngoài ra, có 98 dự án đã đi vào hoạt động, một số dự án có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nổi bật là Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam, với vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD. Hiện có khoảng 4.000 lao động đang làm việc tại đây. Hằng năm, nhà máy đóng góp cho ngân sách của tỉnh hàng trăm tỷ đồng và đóng góp khoảng 40% trong tổng tỷ trọng xuất khẩu toàn tỉnh.
Về tiến độ Đồ án Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, ông Hoàng cho hay, Ban Quản lý đang phối hợp với đơn vị tư vấn để thực hiện.
“Bên cạnh đó, tỉnh cho phép Tập đoàn Sun Group mời các đơn vị tư vấn nước ngoài độc lập để đề xuất các ý tưởng trong lần quy hoạch điều chỉnh này”, ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Hoàng, về tiến độ, đơn vị này đã tổ chức lấy ý kiến các sở, ban, ngành; lấy ý kiến cộng đồng dân cư huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hoà 2 lần; tổ chức phản biện khoa học; tổ chức báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, báo cáo Hội nghị Tỉnh ủy và gần đây nhất đã báo cáo thông qua Đồ án với HĐND tỉnh và đã được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua.
Dự kiến, tháng 8/2022, sau khi hoàn thiện Đồ án, UBND tỉnh sẽ trình cơ quan thẩm định phê duyệt. “Cơ quan thẩm định đồ án này là Bộ Xây dựng. Theo quy định, thời gian tổ chức thẩm định của cơ quan thẩm định không quá 30 ngày làm việc và thời gian phê duyệt không quá 20 ngày. Vì vậy, dự kiến trong tháng 8 - 9/2022, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức Hội đồng Thẩm định, dự kiến tháng 9 - 10/2022, Bộ Xây dựng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét phê duyệt Đồ án”, ông Hoàng thông tin.
Ngoài ra, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã trình UBND tỉnh xem xét, tổ chức lập các quy hoạch phân khu, trên cơ sở định hướng trong Đồ án được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thông qua để rút ngắn thời gian lập phân khu. Đây là cơ sở để thu hút đầu tư sau khi quy hoạch được phê duyệt.
Để thực hiện các quy hoạch của Khu kinh tế, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt hai địa phương là huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa nghiên cứu xây dựng các khu tái định cư mới phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi các quy hoạch phân khu chức năng ở những vị trí tốt nhất.
“Trước khi HĐND tỉnh thông qua Đồ án, thường trực HĐND tỉnh cũng có buổi đi khảo sát và đặc biệt quan tâm đến quy hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch các khu tái định cư để xem xét cho việc thực hiện Đồ án sau này”, ông Hoàng chia sẻ.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng quan tâm đến việc chuyển đổi nghề nghiệp của người dân, đặc biệt là người dân đang nuôi trồng thủy sản. Trong thời gian tới, sẽ có lộ trình di dời cũng như chuyển đổi nghề nghiệp sau khi thực hiện quy hoạch của khu kinh tế.
Theo Đồ án lần này, phạm vi Khu kinh tế Vân Phong không quy hoạch vùng ven bờ để phục vụ nuôi trồng thủy sản. Huyện Vạn Ninh được quy hoạch là đô thị biển cao cấp, vì vậy phần mặt nước sẽ phục vụ những lĩnh vực đáp ứng yêu cầu và những tiêu chí để phát triển thành đô thị biển cao cấp; còn thị xã Ninh Hòa là đô thị biển công nghiệp, cảng biển.
- Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong