Cửa hàng tiện lợi và cửa hàng nhỏ sẽ là mô hình được ưa chuộng trong thời gian tới |
Theo ông Pieter Pennings, Tổng giám đốc CEL Consulting, năm 2016 tương đối thuận lợi cho thị trường Việt Nam khi tính đến cuối tháng 11/2016, Việt Nam không bị thâm hụt cán cân thương mại xuất nhập khẩu.
Mặc dù lạm phát 10 tháng đầu năm tăng 2,27% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị bán lẻ tăng trưởng chậm lại, tuy nhiên, thị trường có nhiều thay đổi về cơ cấu theo chiều hướng khả quan. Với riêng ngành hàng tiêu dùng, tăng trưởng mạnh và đều hơn ở 4 thành phố chính so với vùng nông thôn. Tại thành thị, những mặt hàng tiêu dùng phi thực phẩm tăng trưởng mạnh, còn ở nông thôn, sữa và các loại chăm sóc cá nhân đang chiếm ưu thế. Cụ thể, mặt hàng chăm sóc cá nhân tăng từ 5-6%, sữa tăng trưởng 7%.
Chuyên gia này cũng dự đoán, tại khu vực thành thị, cửa hàng bách hóa và cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới với mức tăng lần lượt là 11% và 34%.
Ví dụ cụ thể về chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart. Đến cuối tháng 10/2016, đã có 650 cửa hàng Vinmart trên cả nước và có thể đạt 1.000 cửa hàng vào cuối năm nay.
“Năm 2016, với sự phát triển mạnh của mô hình bách hóa nhỏ và các cửa hàng tiện lợi với độ phủ rộng và gần với khu dân cư, tính đến tháng 10/2016, thị phần của các kênh chợ truyền thống giảm 8% (tăng 4% so với tháng 9). Ngoài việc thay đổi cơ cấu kênh mua sắm, xu hướng hiện đại hóa bán lẻ còn thể hiện ở xu hướng cung cấp thực phẩm hữu cơ sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đây cũng là xu hướng tăng trưởng cho năm 2017”, ông Pieter Pennings nói.
Ông Fabrice Carrasco, Tổng giám đốc điều hành Kantar WorldPanel Vietnam cho rằng, ngành bán lẻ trong thời gian tới sẽ tăng trưởng cao bởi một số lý do như người tiêu dùng trẻ hơn, sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm công nghệ nên xu hướng mua hàng online sẽ nhiều hơn. Cụ thể, mức độ sử dụng các phần mềm mua sắm trên App chiếm 80% thời gian sử dụng điện thoại của mỗi người với mức nhìn vào điện thoại 150 lần/ngày.
Ông còn dẫn chứng, tỷ lệ người Việt Nam sử dụng sản phẩm nội địa đang có xu hướng tăng đặc biệt trong ngành thực phẩm đồ uống từ 73% lên 87% cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt với các thương hiệu như Vinamilk, Masan.
“Nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng, hành vi người tiêu dùng cũng sẽ thay đổi. Họ nhiều tiền hơn, dành tiền cho hoạt động về giáo dục, giải trí, điện tử và sức khỏe nhiều hơn. Họ sẽ chú trọng vào các sản phẩm dễ mua, dễ sử dụng; những thứ thiết yếu, chứ không mua tràn lan và đặc biệt là thực phẩm an toàn”, ông Fabrice Carrasco nói.
Ông còn cho rằng, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng nhỏ sẽ là mô hình được ưa chuộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, các cửa hàng này phải đảm bảo sạch sẽ, gần nhà và có thể mua nhiều thứ trong thời gian ngắn nhất. Đặc biệt, người tiêu dùng có xu hướng mua hàng, nhưng vẫn ngồi trên xe, cả xe máy và xe hơi.
Còn đối với mô hình bán lẻ online, ông Fabrice Carrasco cho rằng, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp vẫn là niềm tin. Để có được điều này, mỗi thương hiệu phải đáp ứng được kỳ vọng về sản phẩm của khách hàng, giá tối ưu với chất lượng sản phẩm, kèm theo đó là trách nhiệm với các dịch vụ hậu mãi.
Ngành bán lẻ tiếp tục tăng trưởng cũng nằm trong dự đoán của các công ty vận tải. Theo đại diện DHL, đơn vị này đang gia tăng đầu tư cơ sở, kho bãi để đẩy mạnh mức tăng trưởng vào năm 2017. Dù không tiết lộ mức doanh thu 2016, nhưng ông Filip Jankovic, Giám đốc điều hành DHL Việt Nam và Campuchia khẳng định, con số này rất ấn tượng và năm 2017 sẽ duy trì được mức tăng trưởng này.
Hiện tại DHL vẫn đang tập trung vào thị trường Việt Nam, bởi mức chi cho tiêu dùng kèm theo một số dự đoán kinh tế tăng trưởng tích cực vào 2017.
“Chúng tôi sẽ triển khai DHL eCommerce vào đầu năm sau. Còn hiện tại, DHL đã vừa đưa vào sử dụng một kho bãi khoảng 30.000 m2 ở Bình Dương, nâng tổng số diện tích kho bãi mà chúng tôi đang có (khoảng 118.000 m2) để đẩy mạnh hơn dịch vụ vận tải trong ngành bán lẻ”, ông Filip chia sẻ.