Ngân hàng - Bảo hiểm
Sức khỏe đồng đô la Mỹ vẫn chi phối tỷ giá năm 2025
Vân Linh - 31/12/2024 08:32
Chỉ số sức mạnh USD (DXY) được dự báo có thể duy trì ở ngưỡng cao và kéo dài hơn dự kiến. Điều này vẫn là yếu tố chi phối tỷ giá trong năm 2025.

Chỉ số sức mạnh USD (DXY) duy trì mức cao 

Chỉ số sức mạnh USD (DXY) hiện đạt 107,78 điểm trong ngày 30/12, không thay đổi nhiều so với các ngày trước đó. Đồng bạc xanh vẫn duy trì sức mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo sẽ ít giảm lãi suất trong năm mới.

Trong báo cáo triển vọng mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, vẫn có những áp lực nhất định lên tỷ giá trong năm 2025. Cụ thể, chỉ số sức mạnh USD (DXY) có thể duy trì ở ngưỡng cao.

Xu hướng chính của các ngân hàng trung ương trên thế giới là hạ lãi suất và kích thích tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, mức độ cắt giảm sẽ tùy thuộc vào bối cảnh từng quốc gia. Trong đó, thị trường lao động và khu vực dịch vụ của Mỹ vẫn khá khả quan; theo đó, có thể Fed sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất hơn so với kỳ vọng, kéo theo sức mạnh USD cao hơn so với các đồng tiền khác. Ngoài ra, các xung đột địa chính trị kéo theo nhu cầu đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn và theo đó, USD có thể là tài sản được ưu tiên lựa chọn.

Nhận định về sức mạnh USD, ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore cho rằng, đồng đô la Mỹ bắt đầu chạm đáy từ đầu tháng 10/2024 khi tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống bắt đầu tăng lên. Sau đó, kể từ khi ông Trump tái đắc cử vào đầu tháng 11/2025, đồng đô la Mỹ đã kéo dài đà tăng.

Sức khỏe đồng đôla Mỹ vẫn chi phối tỷ giá.

“Nhìn chung, chỉ số đô la Mỹ (DXY) đã tăng từ khoảng 100 điểm vào đầu tháng 10/2024 lên khoảng 108 điểm vào cuối tháng 12/2024. Đây là mức tăng rất đáng kể khoảng 8 phần trăm trong quý cuối cùng của năm 2024”, ông Heng nói.

Theo ông Heng, có một số động lực liên quan giúp giải thích sức mạnh của đồng đô la Mỹ kể từ khi ông Trump tái đắc cử đó là về mặt chính sách, chính quyền Trump 2.0 sắp tới có khả năng sẽ mở rộng thêm các đợt cắt giảm thuế và tăng cường thuế quan thương mại đối với Trung Quốc và có khả năng là các quốc gia khác như Canada và Mexico. Điều này có sẽ làm tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ cho Hoa Kỳ.

Phân tích của các chuyên gia Ngân hàng UOB cho thấy, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là mức tăng thuế quan từng phần và theo từng giai đoạn trong năm tới sẽ góp phần làm tăng vừa phải khoảng 0,3 điểm phần trăm trong Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ vào năm 2025. Tuy nhiên, trong kịch bản bi quan hơn là mức tăng thuế quan đáng kể và ngay lập tức sau khi Trump nhậm chức vào tháng 1 năm 2025, CPI của Hoa Kỳ sẽ tăng ít nhất 0,5 điểm phần trăm.

Tóm lại, các chính sách của Trump có thể sẽ tái bùng phát lạm phát ở Hoa Kỳ. Trên thực tế, lạm phát hàng tháng mới nhất cho thấy CPI của Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên ở mức 2,7 phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 11/2025, làm gia tăng rủi ro rằng, con đường giảm phát hướng tới mục tiêu dài hạn 2 phần trăm của Fed có thể đã bị đình trệ.

Do rủi ro lạm phát gia tăng ngụ ý khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn vào năm 2025. Thật vậy, hiện chúng ta thấy quỹ đạo cắt giảm lãi suất của Fed nông hơn. Tại cuộc họp FOMC mới nhất vào ngày 18/12/2024, Fed thực sự đã ra tín hiệu. Dự báo biểu đồ chấm trung vị được cập nhật của Fed hiện ngụ ý chỉ có hai lần cắt giảm lãi suất vào năm tới, ít hơn so với dự báo trước đó là bốn lần cắt giảm vào năm 2025.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng tỏ ra ít cam kết hơn về việc cắt giảm lãi suất USD thêm trong tương lai, cảnh báo rằng "tốc độ cắt giảm dự kiến ​​chậm hơn cho năm tới phản ánh kỳ vọng lạm phát cao hơn".

“Rủi ro lạm phát gia tăng, cùng với việc Fed cắt giảm lãi suất nông hơn và lợi suất dài hạn cao hơn, tất cả đều góp phần tạo nên bối cảnh đồng đô la Mỹ mạnh lên mà chúng ta đang chứng kiến ​​hiện nay. Trên thực tế, chúng tôi dự đoán đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục mạnh, với DXY tăng cao hơn nữa trên 110 điểm vào giữa năm 2025 với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn giữ vững ở mức trên 4%”, ông Heng cho biết thêm.

Tỷ giá trong năm 2025 có áp lực?

Ngân hàng UOB dự báo VND có thể sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế của tổng thống Donald Trump và đồng nhân dân tệ (CNY) trong thời gian tới. Việc Mỹ chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ Trump 2.0, khả năng căng thẳng thương mại toàn cầu và các rủi ro có thể sớm xuất hiện.

Do đó, VND sẽ tiếp tục suy yếu và kéo theo tỷ giá USD/VND có thể lên đỉnh lịch sử là 26.200 vào quý III/2025. Trong năm 2025, UOB kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 25.800 VND/USD trong quý I, 26.000 USD/VND trong quý II, 26.200 VND/USD trong quý III, 26.000 VND/USD trong quý IV/2025.

VCBS dự báo sức mạnh đồng đôla Mỹ vẫn là yếu tố chi phối lớn đối với tỷ giá, VND sẽ mất giá khoảng 3% cho cả năm 2025 so với đồng đôla Mỹ. Ở góc nhìn lạc quan hơn, báo cáo của VCBS nhận định thị trường ngoại hối trong năm 2025 có thể ghi nhận những yếu tố tích cực nhờ vào xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho dòng tiền đầu tư vào những quốc gia có nền kinh tế vĩ mô ổn định, trong đó có Việt Nam.

Một yếu tố quan trọng khác là kiều hối, tiếp tục là điếm sáng của dòng vốn ngoại tệ trong năm 2025 khi liên tục duy trì trên ngưỡng 13 tỷ USD trong 3 năm trở lại đây. Đi kèm với đó, cán cân thương mại đạt sẽ tiếp tục dự báo thặng dư lớn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi. Đồng thời, trước áp lực tỷ giá, nhà quản lý với bộ máy nhân sự đã ổn định, có thể thực hiện những chính sách điều hành mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu ổn định thị trường ngoại tệ, cũng như chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới.

Tuy nhiên, VCBS cũng chỉ ra rằng, nếu có áp lực từ biến động tỷ giá, nhà điều hành sẽ phải áp dụng các biện pháp điều chỉnh linh hoạt và từng bước để xử lý. Hơn nữa, vào cuối năm, khi các ngân hàng thường tăng cường cho vay, áp lực tăng tại lãi suất huy động có thể gia tăng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhóm phân tích, tác động của yếu tố này sẽ không lớn.

Giới phân tích tài cính cho rằng, tỷ giá USD/VND trong năm 2025 sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tốc độ hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, chính sách của Fed, mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột địa chính trị… Đáng chú ý là "ẩn số" chính sách thuế quan của ông Donald Trump có thể làm tăng giá trị đồng USD và gây áp lực lên tỷ giá.

Song Ngân hàng Standard Chartered dự báo rằng, đồng đôla Mỹ sẽ suy yếu trong nửa đầu năm 2025 và mạnh lên từ cuối năm. Standard Chartered dự báo việc Fed cắt giảm lãi suất có thể dẫn đến xu hướng suy yếu của USD trong vài quý tới, dẫn đến tỷ giá quy đổi USD/VND ở mức 25.250 vào cuối năm 2024 và 25.450 vào quý II/2025. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng cảnh báo kể từ quý II/2025, các chính sách của ông Trump có thể tạo áp lực lên tỷ giá và buộc NHNN phải nâng lãi suất điều hành.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn, sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ. Còn với lãi suất, NHNN sẽ cân nhắc bởi nếu giảm lãi suất quá, sẽ tác động làm tăng tỷ giá, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Thống đốc NHNN, Fed giảm lãi suất thoạt nhìn có vẻ làm giảm áp lực đối với tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá và thị trường ngoại hối trong nước chịu tác động bởi nhiều yếu tố, không chỉ là lãi suất của Fed mà còn phụ thuộc cung-cầu ngoại tệ thực của nền kinh tế. Nếu xuất khẩu cải thiện, thu hút FDI tăng thì cung cải thiện, điều hành tỷ giá thuận lợi. Song nếu xuất khẩu khó khăn, không có đầu ra, hoặc khi nhu cầu nhập khẩu tăng, tỷ giá sẽ gặp áp lực. Đấy là chưa nói đến yếu tố tâm lý kỳ vọng, đầu cơ, găm giữ.

Tin liên quan
Tin khác