Sức khỏe doanh nghiệp
"Sức khoẻ" khối chứng khoán: 5 công ty giảm nửa lợi nhuận, riêng Phố Wall lỗ gần 160 tỷ đồng
Thanh Thủy - 20/10/2019 14:01
Dù lợi nhuận của Chứng khoán BIDV cao gấp 2,3 lần quý III/2018, lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm vẫn giảm một nửa. HSC, VIX, VDSC và Everest cũng báo lãi chỉ bằng nửa cùng kỳ.

Cập nhật kết quả kinh doanh mùa báo cáo tài chính quý III, nhóm các công ty chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trái chiều. Trong khi  một số công ty vẫn mở rộng quy mô tài sản, tăng cho vay ký quỹ và báo lãi tăng trưởng, cũng không ít công ty chứng khoán giảm lãi, cá biệt Chứng khoán Phố Wall (WSS) báo lỗ 3 quý liên tiếp.

Chứng khoán IB (mã VIX) chỉ thu về khoản lãi ròng hơn 40 tỷ đồng trong quý III vừa rồi. Nguyên nhân bởi doanh thu từ bán các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ chỉ thu về 85,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đây lại là nguồn thu chính với khoản lãi 125 tỷ đồng. Chi phí chênh lệch giảm do đánh giá lại các tài sản tài chính thông qua lãi lỗ ngược lại tăng gấp 8 lần từ 3,2 tỷ đồng lên hơn 24 tỷ đồng.

Hoạt động môi giới chứng khoán cũng thu hẹp khi chỉ mang về hơn 5 tỷ đồng doanh thu, giảm 45% so với cùng kỳ. Theo báo cáo của công ty này, giá trị giao dịch mà các nhà đầu tư thực hiện trong quý III chỉ đạt 3.234 tỷ đồng, trong khi năm ngoái đạt 6.058 tỷ đồng đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Chứng khoán IB giảm 51% còn 101,5 tỷ đồng và chỉ mới hoàn thành 46% kế hoạch đề ta.

Trong khi Chứng khoán IB “co lại” các khoản cho vay, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Chứng khoán Everest mở rộng dư nợ margin nhưng lợi nhuận 9 tháng cũng giảm quá nửa, lần lượt là 55% và 59%.

VDSC cho biết hoạt động môi giới và tự doanh giảm lần lượt 30% và 70% do chịu ảnh hưởng xấu của diễn biến trên thị trường (thanh khoản suy giảm mạnh, tình hình thị trường không thuận lợi). Lợi nhuận sau thuế quý III do đó giảm 57,6% xuống còn 11,5 tỷ đồng. Cùng với mức tăng trưởng âm hai quý trước, lợi nhuận sau thuế 9 tháng giảm về còn gần 42,2 tỷ đồng. Tương tự, Everest thu về 18 tỷ đồng trong quý III, giảm 32% so với cùng kỳ. Chủ yếu thu lãi trong quý III, lợi nhuận 9 tháng của CTCK này đạt gần 21 tỷ.

Thị trường chứng khoán giao dịch ảm đạm là một trong các nguyên nhân khiến không ít các công ty chứng khoán thu hẹp nguồn thu thời gian qua. CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) với thị phần môi giới  nhiều quý luôn đứng thứ hai toàn ngành cũng không phải ngoại lệ. Doanh thu mảng này đã giảm hơn 26%, ngoài do  giá trị giao dịch của toàn thị trường sụt giảm còn bởi thị phần môi giới của HSC cũng giảm quý vừa qua. Từ mảng đóng góp lớn nhất vào doanh thu quý III/2018, hoạt động môi giới chỉ còn đứng vị trí thứ ba trong các nguồn thu, sau lãi từ bán các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ và lãi từ cho vay. Lợi nhuận 9 tháng CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) cũng giảm 49,7%, chỉ còn đạt 379 tỷ đồng. 

 

Giá trị giao dịch trên HoSE tiếp tục giảm so với cùng kỳ - Nguồn: FiinPro Data

Tăng trưởng lợi nhuận của Chứng khoán BIDV (BSC) trong 9 tháng đầu năm cũng âm 50%. Nhưng khác với các CTCK trên, lợi nhuận BSC đã có sự cải thiện đáng kể trong quý III với lợi nhuận cao gấp 2,3 lần quý III/2018 và cao hơn hai quý trước cộng lại.

Riêng quý III, thu nhập từ hoạt động môi giới giảm gần 20% nhưng chi phí môi giới cũng giảm mạnh hơn. Thêm vào đó, BSC ghi nhận khoản lãi từ chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (tăng 14 tỷ đồng), trong khi giảm chi phí chênh lệch giảm do đánh giá lại (hơn 6 tỷ đồng)... Kết quả, lợi nhuận của công ty chứng khoán này đạt 65 tỷ đồng trong quý III và gần 128 tỷ đồng lũy kế 9 tháng đầu năm. So với kế hoạch hơn 238 tỷ đồng, BSC mới chỉ hoàn thành 53,6% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.   

Các khoản đầu tư tài chính và đánh giá lại các khoản đầu tư là một yếu tố thúc đẩy lợi nhuận quý III vừa qua của BSC. Trong khi đó, đây lại là nguyên nhân chính khiến Chứng khoán Phố Wall (WSS) thua lỗ. Chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính khiến WSS ghi nhận khoản chi phí 150 tỷ đồng. Lỗ trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 158 tỷ đồng, gấp 5 lần khoản lỗ cùng kỳ. Kết quả kinh doanh cả năm 2018 của WSS vẫn báo lãi nhớ lợi nhuận quý IV năm trước được cải thiện. Đến cuối quý III, WSS lỗ lũy kế 77 tỷ đồng, ăn mòn 15% vốn điều lệ công ty chứng khoán này (503 tỷ đồng).

Tin liên quan
Tin khác