Doanh nghiệp
Sức quyến rũ của tự do kinh doanh
Hà Quang - 13/11/2014 07:50
Hiếm dự án luật nào khi trình Quốc hội lại nhận được nhiều sự ủng hộ như các dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này, bởi các dự án luật trên đã chạm đến bản chất của vấn đề đầu tư - kinh doanh. Đó là sự tự do và minh bạch.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
DN không nhất thiết phải có con dấu
Rà soát pháp luật kinh doanh 6 tháng 1 lần
Tạo đột phá về thủ tục đầu tư, kinh doanh
Thủ tướng yêu cầu đăng ký thành lập DN trong 2 ngày
Ai có quyền cấm kinh doanh massage, vũ trường, karaoke?

Đoạn tuyệt với cơ chế “xin - cho”

Trả lời Quốc hội sau khi lắng nghe ý kiến góp ý về các dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đầu tuần này, đại diện cho Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bày tỏ sự vui mừng khi các đại biểu đánh giá cao những thay đổi mang tính đột phá của các dự án luật.

   
  Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã nhận được sự ủng hộ cao của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Đức Thanh  

“Với tư cách thành viên cơ quan soạn thảo, sau khi lắng nghe ý kiến của đại biểu, tôi thấy rất nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, phù hợp. Tôi rất mừng vì có đại biểu là doanh nhân và đại diện cho cộng đồng doanh nhân như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hay đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường… đánh giá cao các dự án luật này”, Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, điểm mới nhất của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là sự thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật, thay vì “chọn cho” (nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật), đã chuyển sang cách “chọn bỏ” (quy định những gì cấm, còn lại thì doanh nghiệp, nhà đầu tư được phép đầu tư, kinh doanh theo quy đinh của pháp luật).

“Chọn bỏ là những gì không cho làm hoặc hạn chế làm thì ghi vào trong luật. Cái gì không có trong luật, do chủ đích không ghi hoặc ghi thiếu, thì người dân, doanh nghiệp được quyền làm. Từ kỳ họp năm ngoái đến bây giờ, anh em ở bộ phận soạn thảo không nghỉ ngày nào để rà soát danh mục cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, bởi nó rất phức tạp, chồng chéo, rất khó đưa ra khái niệm thống nhất. Cũng may là các bộ, ban, ngành ủng hộ, nên hôm nay, chúng ta có danh mục 272 ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh. Cũng phải nói thêm, phương pháp “chọn cho” quen thuộc trong cách thức xây dựng pháp luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh lâu nay đã bộc lộ những hệ lụy vô cùng lớn, nhất là khi không cập nhật kịp những ngành nghề kinh doanh, điều kiện kinh doanh phát sinh mới. Trong nhiều trường hợp, cơ chế xin - cho, sự nhũng nhiễu trong thủ tục hành chính phát sinh từ chính khoảng trống này, khiến môi trường kinh doanh trở nên thiếu minh bạch, tốn kém…

Đồng tình với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết, ông thực sự hài lòng khi theo dõi Dự thảo Luật Đầu tư từ lần thảo luận ở kỳ họp thứ bảy và đặc biệt là tại kỳ họp thứ chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì kết luận vừa rồi, cho đến dự thảo được đưa ra thảo luận tại kỳ họp này.

“Dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng nỗ lực tối đa để cùng với Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mang lại đột phá cho môi trường đầu tư - kinh doanh. Đây là đột phá mang tính cách mạng. Tôi rất ủng hộ tư tưởng này”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Kết nối đầu tư - kinh doanh

Là người liên tục đồng hành với các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, điểm đột phá lớn nhất trong Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này là đã ghi nhận quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực không cấm theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang rất cần động lực mới cho phát triển.

“Đột phá ấn tượng nhất của Dự thảo Luật Đầu tư lần này chính là về thủ tục đầu tư mà thực chất là không còn thủ tục đầu tư với đa số các nhà đầu tư. Cải cách lần này của Dự thảo Luật đã chạm được vào tâm điểm của vấn đề đầu tư, kinh doanh. Sau khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh, khai sinh doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp có thể tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh mà không cần làm thêm bất cứ thủ tục đầu tư nào khác. Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã triển khai rất tốt ý tưởng quyền tự do kinh doanh ghi nhận trong Hiến pháp 2013, với các nội dung cốt lõi được thiết kế trên tinh thần cầu thị, hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý của Nhà nước”, đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích.

Góp ý với Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ tinh thần đổi mới, tư duy cải cách hành chính trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp; tinh thần thông thoáng, nhanh gọn trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp như trong Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh còn băn khoăn về việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau thành lập để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động. Đây là vấn đề mà đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh yêu cầu Ban soạn thảo cần làm rõ nét.

Tin liên quan
Tin khác