Các doanh nghiệp đang căng mình tìm cửa thoát khó để tự cứu mình. |
Gấp rút tìm nguyên liệu
Chủ động tìm nguồn cung thay thế hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất để phù hợp với giai đoạn kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 là cách mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn đang áp dụng.
Với doanh thu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa quy mô trên 3.000 tỷ đồng/năm, Tổng công ty May 10 - Công ty cổ phần đang ở trong tình trạng cạn dần nguyên liệu trong kho. Nếu giao thương chưa được khơi thông, doanh nghiệp này đang tính phương án phải cho công nhân nghỉ luân phiên bởi thiếu nguyên liệu sản xuất.
Để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung đầu vào, đảm bảo tiến độ cho các đơn hàng xuất khẩu trong năm, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ làm việc lại với các nhà đặt hàng về thời gian giao hàng và tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, tận dụng nguồn cung nội địa với chuỗi liên kết của các doanh nghiệp trong Tập đoàn và ngành dệt may là một lựa chọn của doanh nghiệp để bù đắp phần nào thiếu hụt. Từ cuối tháng 2/2020, May 10 đã khảo sát tại một số nhà máy dệt khu vực phía Bắc để tìm nguồn cung nguyên liệu thay thế. Sau quá trình khảo sát, May 10 đã tìm kiếm được 2 nhà cung cấp vải.
Đóng góp kim ngạch xuất khẩu hơn 87 tỷ USD trong năm 2019, điện thoại, linh kiện, điện tử, máy tính cũng đang oằn mình lo nguyên liệu, bởi nếu không nhanh chóng giải quyết thiếu hụt đầu vào, sẽ ảnh hưởng nặng đến sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Trong đó, Tổ hợp Samsung Việt Nam đang tích cực làm việc với phía Trung Quốc để đề nghị phía bạn mở cửa khẩu trở lại cho hoạt động nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất.
Theo Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, đặc thù của Samsung là linh phụ kiện đều vận chuyển bằng đường bộ qua cửa khẩu ở Lạng Sơn, tuy nhiên, trong bối cảnh giao thương không thuận, Công ty đang xem xét phương án nhập khẩu các lô hàng này qua đường hàng không hoặc đường biển, dù việc này sẽ khó khăn hơn so với đường bộ do chi phí lớn và khó có thể đáp ứng sản lượng và tiến độ thời gian cho nhu cầu sản xuất.
Tạm ổn trong ngắn hạn
Điểm chung của nhiều ngành hàng xuất khẩu từ vài tỷ đến vài chục tỷ USD của Việt Nam hiện nay là phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác cũng đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh là Hàn Quốc, Nhật Bản.
Một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện - điện tử. Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện, phụ kiện phục vụ cho sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.
Trong khi đó, dù xoay xở để tìm kiếm thêm nguồn cung trong nước, nhưng các doanh nghiệp thừa nhận, điều này chỉ mang lại sự tạm ổn trong ngắn hạn, giúp nhà máy đỡ lâm vào cảnh dừng sản xuất, còn tìm kiếm từ các thị trường quá xa thì không chịu nổi chi phí vận chuyển.
Ông Cố Đức Hoàng Tài, Trợ lý giám đốc Công ty TNHH Junma Phú Thọ - doanh nghiệp 100% vốn FDI chuyên sản xuất, chế biến gỗ ván ép cao cấp xuất khẩu cho biết, không phải loại nguyên phụ liệu nào cũng tìm được nhà cung cấp trong nước, hoặc các thị trường nào đó ngoài Trung Quốc.
“Chúng tôi đã tính đến phương án tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu từ Nga nhưng cũng không khả thi vì mất nhiều thời gian và chi phí bị đội lên do khoảng cách vận chuyển”, ông Tài nói.
Ngả thoát dễ nhất với Công ty Junma lúc này nằm ở chính các nhà nhập khẩu. Nếu các khách hàng có thay đổi về mặt dán của sản phẩm, hay họ có nhu cầu gì khác thì cũng là biện pháp tốt để doanh nghiệp bớt khó hơn.
Với doanh nghiệp dệt may, tình hình cũng không sáng sủa. Lãnh đạo May 10 thừa nhận, khả năng cung ứng vải trong nước còn nhiều hạn chế, cố lắm cũng chỉ đáp ứng được chưa đầy 30% lượng thiếu hụt.
Băn khoăn của May 10 là dễ hiểu nếu nhìn vào mức chi ngoại tệ nhập nguyên liệu đầu vào của dệt may. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại; 2,3 tỷ USD xơ, sợi; 12,69 tỷ USD vải các loại và khoảng 5,61 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc là 1,32 tỷ USD xơ sợi (57,39%); 7,73 tỷ USD vải (60,91%) và 2,45 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày (43,67%); nhập khẩu từ Hàn Quốc là 2,02 tỷ USD vải (15,91%) và 710 triệu USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày (12,65%).
Áp lực của các doanh nghiệp “khát” nguyên liệu lúc này chính là thời gian. Phần lớn doanh nghiệp đều thừa nhận, họ đang tìm kiếm thêm các nhà cung ứng từ những quốc gia khác để bổ sung nguồn cung, nhưng quá trình này có thể mất thời gian và phức tạp hơn.
Với các ngành hàng có thể thiết lập được chuỗi cung ứng trong nước thì cũng không thể đáp ứng ngay được trong ngày một ngày hai. Theo lãnh đạo một doanh nghiệp ngành gỗ, kể cả có sẵn các nhà cung ứng phụ liệu ngành gỗ ở khu vực phía Nam, thì việc kết nối để tổ chức thành chuỗi sản xuất phải mất vài tháng.
Kết thúc 2 tháng đầu năm 2020, dù là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước ước đạt 74 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4%.
Đạt mức tăng trưởng dương trong 2 tháng đầu đầy khó khăn, nhưng nếu các giải pháp thoát khó của doanh nghiệp không hiệu quả, suy giảm sẽ thấy rõ sau tháng 3/2020. Do đó, đây là thời điểm căng mình tìm cửa thoát khó của doanh nghiệp/ngành hàng để tự cứu mình.