Doanh nghiệp
TAFiCO “rót” gần 4.800 tỷ đồng cho Dây chuyền 2 - Nhà máy Xi măng Tây Ninh: Củng cố vị thế nhà sản xuất lớn
Thế Hải - 27/04/2018 17:22
Ngoài việc gia tăng công suất khi có thêm 2,4 triệu tấn xi măng từ dây chuyền 2 vào năm 2022, TAFiCO khẳng định sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, linh hoạt chính sách bán hàng để duy trì vị thế nhà sản xuất xi măng lớn tại thị trường phía Nam.

Kỷ lục về sản xuất và tiêu thụ

Dây chuyền 1 của Nhà máy Xi măng Tây Ninh thuộc Công ty cổ phần Xi măng FiCO Tây Ninh (TAFiCO) đi vào hoạt động chính thức từ năm 2009, với công suất thiết kế 1,26 triệu tấn clinker và 0,9 triệu tấn xi măng. Nhờ được liên tục cải tiến và nâng cấp thiết bị, dây chuyền 1 luôn chạy vượt công suất thiết kế trong những năm gần đây. 

Việc đầu tư dây chuyền 2, với công nghệ hiện đại, nằm ngay cạnh dây chuyền 1, góp phần vào sự phát triển của TAFiCO theo hướng tăng hiệu quả chiều sâu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Kể cả trong giai đoạn thị trường xi măng trầm lắng do tốc độ đầu tư xây dựng suy giảm, TAFiCO vẫn là một trong không nhiều doanh nghiệp xi măng duy trì được tốc độ tăng trưởng sản xuất, tiêu thụ và ổn định các chỉ tiêu tài chính.

Theo báo cáo của TAFiCO năm 2017, Xi măng FiCO đạt mức sản xuất và tiêu thụ kỷ lục. Tổng sản lượng tiêu thụ cán mốc hơn 2,1 triệu tấn xi măng. Dây chuyền 1 sản xuất clinker vượt công suất thiết kế hơn 14% và xi măng là hơn 22%.

Đáng lưu ý, kết quả sản xuất kinh doanh của TAFiCO có sự chuyển về chất trong 2 năm 2016-2017, giai đoạn ngay sau cổ phần hóa. Tổng doanh thu năm 2016 của nhà sản xuất xi măng này đạt 2.880 tỷ đồng, 2017 đạt 2.766 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ghi nhận tăng vọt lên 214 và 281 tỷ đồng.

Năm 2017, dù doanh thu sụt giảm nhẹ so với 2016, nhưng lợi nhuận lại tăng hơn 66 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước trong 2 năm 2016-2017 lần lượt là 126,2 và 147,7 tỷ đồng.

Đại diện của TAFiCO cho biết, kết quả sản xuất và tiêu thụ đạt được trong năm 2017 là ấn tượng nhất kể từ thời điểm đưa dây chuyền 1 vào vận hành chính thức. Kế hoạch sản xuất năm 2018 của dây chuyền 1 tiếp tục là một mốc kỷ lục mới với sản lượng xi măng dự kiến vượt 30% công suất thiết kế.

Sự thành công của dây chuyền 1 đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Tây Ninh nói chung và sự tăng trưởng của TAFiCO nói riêng.

Tại thời điểm này, TAFiCO sở hữu 03 nhà máy, gồm: Nhà máy Xi măng Tây Ninh công suất 1,4 triệu tấn clinker và 1,1 triệu tấn xi măng/năm. Nhà máy Xi măng FiCO công suất 800.000 tấn xi măng/năm và Nhà máy Xi măng Bình Dương công suất 300.000 tấn xi măng/năm.

Sản phẩm Xi măng FiCO hiện có gần 100 nhà phân phối, phân bố rộng khắp các thị trường ở trong và ngoài nước. 

Xi măng FiCO đang là một trong 3 thương hiệu xi măng hàng đầu tại khu vực phía Nam với thị phần khoảng 12%, với sản lượng tiêu thụ không ngừng tăng qua các năm. Năm 2015: 1,8 triệu tấn; năm 2016: 2,0 triệu tấn và 2017: hơn 2,1 triệu tấn, dự kiến 2018: 2,5 triệu tấn.

Đầu tư nâng công suất là tất yếu

“Đó là lý do chúng tôi quyết định khởi công xây dựng dây chuyền 2 vào thời điểm này, sau một thời gian dài chuẩn bị, nhằm đón cơ hội kinh doanh từ năm 2022 khi nhu cầu xi măng cho các dự án xây dựng tại khu vực phía Nam dự báo còn gia tăng theo sự phát triển của nền kinh tế”, vị đại diện của TAFiCO cho biết thêm.

Dây chuyền 2 - Nhà máy Xi măng Tây Ninh được khởi công xây dựng tại ấp Cây Cầy, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh vào ngày 24/4/2018. 

Tổng diện tích của dây chuyền 2 là 11,5 ha (nằm cạnh dây chuyền 1 hiện hữu), với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 4.800 tỷ đồng (bao gồm cả các dự án thành phần).

Dây chuyền 2 sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu, gồm 1 lò nung clinker công suất thiết kế 4.000 tấn/ngày, tương đương 1,26 triệu tấn/năm (có khả năng nâng cấp lên 5.000 tấn/ngày) và 1 công đoạn nghiền xi măng công suất 1 triệu tấn/năm. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021, nâng tổng năng lực sản xuất hàng năm của TAFiCO lên trên 3 triệu tấn clinker và 4,5 triệu tấn xi măng các loại.

Công nghệ tiên tiến cho phép dây chuyền 2 sử dụng được nhiều loại nhiên liệu rắn, lỏng khác nhau và có thể sản xuất được những chủng loại xi măng mới đáp ứng nhu cầu xây dựng ngày càng đa dạng. Bên cạnh đó, công đoạn thành phẩm sẽ được áp dụng kỹ thuật xuất hàng pallet hiện đại nhất.

Được thành lập ngày 22/12/2004, TAFiCO là thành viên nòng cốt của Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (nay là Tổng Công ty FiCO). Sau quá trình cổ phần hóa, TAFiCO nắm nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Năm 2017, Công ty cổ phần Xi măng FiCO Tây Ninh vinh dự nằm trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam với thứ hạng 340 (VNR 500 - Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập theo chuẩn mực quốc tế của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report).

Công ty cổ phần Xi măng FiCO Tây Ninh vừa nhận Giải Vàng Chất lượng quốc gia năm 2017, được trao giải hôm 22/4/2018 tại Hà Nội. Giải thưởng Chất lượng quốc gia là giải thưởng duy nhất về chất lượng, tôn vinh các doanh nghiệp, do Thủ tướng Chính phủ quyết định trao tặng và nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương.

TAFiCO có tầm nhìn trở thành một trong những công ty xi măng hàng đầu Việt Nam trong 5 năm tới, thông qua việc đầu tư vào con người, tối ưu hiệu quả hoạt động, mở rộng thị trường, xây dựng uy tín với đối tác và khách hàng. Việc đầu tư xây dựng dây chuyền 2 – Nhà máy Xi măng Tây Ninh là sự khẳng định mạnh mẽ cho việc thực hiện tầm nhìn trên.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, dây chuyền 2 tích hợp hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư của toàn bộ nhà máy, giúp giảm tiêu thụ điện và phát thải bụi. Đặc biệt, dây chuyền 2 có khả năng “đồng xử lý” trong lò nung clinker nhiều loại chất thải khác nhau.

Theo kế hoạch đầu tư xây dựng, dây chuyền 2 sẽ hoàn thành công đoạn nghiền số 2 vào cuối năm 2019, hoàn thành lò nung clinker số 2 vào tháng 5/2021, sẵn sàng vận hành 100% công suất vào năm 2022, góp phần tăng độ bao phủ thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Sau khi hoàn thành, dây chuyền 2 sẽ là động lực mạnh mẽ để TAFiCO củng cố và gia tăng thị phần trong nước, và hướng đến xuất khẩu

Tham vọng dài hơi

Việc đầu tư của TAFiCO sẽ chưa dừng lại. Trong chiến lược phát triển trở thành nhà sản xuất, cung cấp xi măng lớn tại thị trường phía Nam, TAFiCO có kế hoạch đầu tư đầu tư tiếp một loạt dự án thành phần ở các giai đoạn, phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.

Cụ thể, TAFiCO sẽ đầu tư 108 tỷ đồng để cải tạo nâng cấp lò nung dây chuyền 1 - Nhà máy Xi măng Tây Ninh; 380 tỷ đồng cho việc đổi mới thiết bị, công nghệ và cải tạo môi trường Nhà máy Xi măng FiCO (KCN Hiệp Phước); 646 tỷ đồng đầu tư Trạm nghiền Xi măng Bến Tre, công suất 600.000 tấn/năm; 284 tỷ đồng cho dây chuyền 3 - Nhà máy Xi măng Bình Dương, công suất 300.000 tấn/năm và khoản đầu tư 15 tỷ đồng cho hệ thống “đồng xử lý” chất thải trong lò nung clinker.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay, dù thâm niên làm xi măng chưa dài, nếu so với nhiều thương hiệu xi măng đi trước, nhưng Xi măng FiCO sở hữu những điểm cộng đáng mơ.

Đó là lợi thế có nhà máy lớn, nguồn nguyên liệu sản xuất dồi dào, chất lượng ổn định và một hệ thống phân phối bán hàng, trạm nghiền, trạm gia công, cảng trung chuyển phủ rộng khắp khu vực phía Nam… 

Những yếu tố trên giúp Xi măng FiCO có vị thế cạnh tranh tốt trên thị trường.

“Quan trọng hơn, việc có thêm dây chuyền 2, với công nghệ hiện đại, nằm ngay cạnh dây chuyền 1, sẽ góp phần vào sự phát triển của TAFiCO theo hướng tăng hiệu quả chiều sâu, tăng sức cạnh tranh với quy mô lớn, tập trung, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Cung nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác