Kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được công bố mới đây vẫn đang là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư và giới phân tích tài chính, với nhiều quan điểm trái chiều kèm chút băn khoăn, lo lắng với “canh bạc” của ông chủ HAGL Đoàn Nguyên Đức.
| ||
Ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Nhất Việt ở vị trí CEO của chương trình tuần này |
Theo đó, ông Đức đã chấp nhận cắt bỏ cả ngành kinh doanh truyền thống của HAGL như thủy điện, gỗ đá để tập trung vào 2 ngành tiềm năng nhất là nông nghiệp và bất động sản.
Trong đó, nông nghiệp bao gồm mía đường, cao su và cọ dầu; bất động sản chủ lực là dự án Myanmar, còn các dự án nhỏ lẻ trong nước sẽ được chia tách hoặc sáp nhập.
Cần phải nhắc lại là, đối với ngành thủy điện - vốn được HAGL xác định là ngành kinh doanh chiến lược, sau 4 năm, 4 thủy điện của Tập đoàn đi vào hoạt động có doanh thu, có lợi nhuận, nhưng chi phí vốn lớn, nên tỷ suất lợi nhuận không như mong đợi.
Vì vậy, HAGL quyết định bán các dự án thủy điện ở Việt Nam để tập trung vào những lựa chọn tốt hơn.
Được biết, việc bán các dự án thủy điện, về cơ bản, đã được đàm phán ký kết xong.
Trong khi đó, hiện HAGL có 3 mỏ sắt tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Sau khi đi vào hoạt động, các mỏ này cũng gặp nhiều rủi ro, dù có lãi lên tới hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, HAGL quyết định đưa khoáng sản ra khỏi ngành nghề kinh doanh của mình.
Cuối cùng là ngành gỗ đá. HAGL sẽ bán cổ phần cho người lao động và chỉ giữ lại khoảng 20%. Bởi lẽ, HAGL xuất phát từ việc kinh doanh gỗ, với hơn 1.000 lao động đã cống hiến hơn 20 năm qua.
Như vậy, sau hơn 20 năm có mặt trên thị trường, HAGL đã trải qua 3 lần tái cấu trúc (lần đầu tiên vào năm 2006; lần thứ hai là giai đoạn 2009 - 2010, tập trung vào 4 mảng nhỏ là thủy điện, cao su, bất động sản, gỗ), song lần tái cấu trúc thứ ba này có lẽ quyết liệt nhất.
Với cách ví von là “rứt những đứa con thân thiết của mình ra đi”, ông Đức tin rằng, quyết định lần này sẽ giải quyết được 2 mục tiêu chính: giảm nợ và đảm bảo chiến lược lâu dài, đủ nhân lực kiểm soát chặt, tập trung vốn cho lĩnh vực cần thiết nhất.
Đối với Tập đoàn Mai Linh, sau những thất bại nặng nề do những sai lầm trong kinh doanh và đầu tư, Mai Linh đã tính đến phương án tái cấu trúc để quay lại thị trường.
Theo đó, Tập đoàn sẽ thoái vốn, bán tài sản ở tất cả các ngành nghề không liên quan như thương mại, giáo dục, xây dựng, bất động sản và kể cả vận tải hành khách đường dài, để quay lại tập trung kinh doanh taxi, vì đây là lĩnh vực mạnh nhất và có lãi nhất của Mai Linh.
Ngoài ra, để giải quyết số nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng, Mai Linh thông qua việc phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, tương đương 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, tập đoàn này sẽ dành khoảng 800 tỷ đồng để thanh toán nợ vay ngắn hạn (tổng là 850 tỷ đồng) và 200 tỷ đồng để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, do đã mất vị thế dẫn đầu và thị trường taxi đang cạnh tranh khốc liệt, nên cơ hội thành công đối với Mai Linh vẫn còn là ẩn số.
Vị thế dẫn đầu thị trường TP.HCM của Mai Linh giờ đây đã rơi vào tay Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch - Tư vấn đầu tư Ánh Dương Việt Nam (Vinasun). Giống như Mai Linh, Vinasun cũng nhảy vào đầu tư đa ngành, song công ty này đã sớm tỉnh táo nhận ra sai lầm.
Vào những năm 2000, khi kinh doanh bất động sản là lĩnh vực vô cùng sôi động, Vinasun đã kịp rút lui khỏi việc đầu tư nhà hàng, bất động sản, đầu tư tài chính và tập trung vào lĩnh vực taxi theo lời khuyên của Tập đoàn Temasek Holding (Singapore). Mặc dù Vinasun hiện kinh doanh trên 2 mảng gồm du lịch và taxi, nhưng doanh thu từ mảng taxi luôn chiếm 99% tổng doanh thu của Vinasun.
Để có được vị thế dẫn đầu thị trường, Vinasun đã áp dụng rất hiệu quả một số chiến lược như phát triển tập trung, rút khỏi đầu tư đa ngành, hay tìm đến M&A để tăng trưởng. Trong đó, việc lựa chọn ngành kinh doanh cốt lõi là taxi đã giúp Vinasun nhanh chóng bỏ xa Mai Linh.
Như vậy, việc tái cấu trúc hoạt động đầu tư - kinh doanh là động thái nở rộ của doanh nghiệp trong thời gian qua, sau khi có những tính toán sai lầm. Dù chưa biết hiệu quả của những đợt tái cấu trúc này sẽ ra sao, nhưng quyết định đúng thời điểm luôn là điều kiện cần thiết đối với mỗi ông chủ doanh nghiệp.
Chương trình Chìa khóa thành công - CEO phiên bản 2013, phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ giúp CEO có được những quyết định đúng lúc, sau khi đã phân tích kỹ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Chương trình tuần này sẽ được phát sóng vào 10h sáng Chủ nhật (15/9) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (16/9).
Vũ Anh