Hai quý, Công ty tài chính tiêu dùng sẽ thu về 100 tỷ đồng
Sáng nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (mã chứng khoán SHB - HNX) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 tại khách sạn Melia Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, Công ty Tài chính tiêu dùng SHB đã hoàn tất các thủ tục pháp lý, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Chúng tôi đang tuyển dụng Tổng giám đốc giỏi, chuyên gia về bán lẻ, và đã mời được một số ứng viên xuất sắc về làm quản lý công ty này.
“SHB có nhiều đối tác là các tập đoàn kinh tế mạnh trong nước, cộng với tiềm năng từ lĩnh vực tài chính tiêu dùng thì việc phát triển công ty là khả thi. Công ty sẽ chính thức đi vào hoạt động vào quý III. Kế hoạch 2017 lợi nhuận trên 100 tỷ đồng, dự kiến trong năm sau tăng trưởng lợi nhuận sẽ tăng trưởng vượt bậc”, ông Hiển kỳ vọng.
Theo Chủ tịch SHB, lợi ích của công ty tài chính hỗ trợ rất tốt cho hoạt động bán lẻ của ngân hàng và đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các NHTM vì công ty tài chính tiêu dùng dễ dàng hơn ngân hàng trong việc cho vay kể cả lãi suất. Thế mạnh của SHB có các đối tác bán buôn lớn, nếu có thêm công ty tài chính tiêu dùng bán lẻ thì sẽ có “bán lẻ cho bán buôn”. Điều này giải thích tại sao ngân hàng đặt mục tiêu tăng tín dụng 18% nhưng mục tiêu lợi nhuận lại tăng mạnh tới tăng 50%.
Kết thúc năm 2016, SHB đạt 1.156 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của SHB đạt 415 tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2015. Tỷ trọng thu nhập thuần từ dịch vụ chiếm 9% tổng thu nhập hoạt động thuần. Hoạt động thanh toán quốc tế đạt doanh số hơn 3 tỷ USD, vượt 53,6% kế hoạch; doanh số kiều hối tăng 59% so với năm 2015, vượt 45% kế hoạch.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2017, theo Chủ tịch SHB, ngân hàng sẽ tập trung mảng bán lẻ trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng và đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.750 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với năm 2016. Tổng tài sản tăng lên 270.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên 12.036 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng trưởng 18%; huy động vốn tăng 20%,...
Cổ đông mong cổ tức tiền mặt
Trước câu hỏi của cổ đông về việc tại sao ngân hàng tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu (7,5%) mà không chia cổ tức tiền mặt, ông Hiển thừa nhận, đây là nguyện vọng chính đáng của cổ đông. Song chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ mang lại lợi ích bền vững cho ngân hàng và các cổ đông.
“Nếu chúng ta chia ngay thì 3-5 năm sau sự lớn mạnh của ngân hàng sẽ như thế nào? Cổ đông cũng thử ngồi vị trí của chúng tôi đi để hiểu nỗi lòng của chúng tôi”, Chủ tịch SHB giãi bày.
Sau thương vụ sáp nhập Habubank, đến nay nợ xấu vẫn là nỗi lo của cổ đông SHB. Năm 2016, SHB tập trung thu hồi nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,87% tổng dư nợ.
Được biết, tại thời điểm sáp nhập Habubank, nợ xấu của Habubank là 8.600 tỷ đồng. Đến nay, SHB đã thu hồi 2.800 tỷ đồng, bán 3.500 tỷ đồng cho VAMC. Tới thời điểm hiện tại, nợ xấu của ngân hàng là 2.300 tỷ đồng.
Riêng với tổng dư nợ của Vinashin hiện còn 1.600 tỷ đồng, ông Hiển cho biết, trong đó có phần hoán đổi trái phiếu với VAMC 1.498 tỷ đồng. Để xử lý số nợ này, thời gian tới, SHB sẽ tiếp tục hoán đổi trái phiếu với VAMC theo đề án và trích lập dự phòng theo quy định.