Khung chính sách quản lý đầu tư công được cải thiện
Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII cùng với ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 48 đang diễn ra.
Trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, các nội dung giám sát và chất vấn tập trung vào thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; về quản lý đầu tư công, việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã tập trung thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2016 - 2019, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã diễn ra mạnh mẽ, có nhiều chuyển biến tích cực và thực chất hơn trong tất cả các nội dung trọng tâm.
Theo đánh giá của Chính phủ, đến nay, khung chính sách quản lý đầu tư công được cải thiện và đảm bảo tính đồng bộ, nổi bật với việc ban hành Luật Đầu tư công năm 2019 thay thế Luật Đầu tư công năm 2014 và 4 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được nâng cao, giảm tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công...
Công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công, theo Chính phủ, cũng được tăng cường. Các quy định về công khai, minh bạch và giám sát đầu tư cộng đồng giúp người dân có thể phát huy quyền giám sát trong các hoạt động đầu tư công.
Kinh tế tư nhân chưa là động lực quan trọng
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, cơ quan chuyên môn của Quốc hội cũng nhận định, cơ cấu lại các ngành kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực và đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao tăng. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng và chất lượng. Năng suất lao động tiếp tục được cải thiện, tăng đều qua các năm.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm so với kế hoạch; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hiệu quả đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu lại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gặp khó khăn về bổ sung vốn; tiến độ cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị; năng lực sản xuất công nghiệp nội tại của nền kinh tế còn hạn chế và phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Hạn chế nữa được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh là kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn do tác động từ các yếu tố khách quan và chủ quan, ảnh hưởng đến sự phát triển, hạn chế về quy mô, mức độ đóng góp vào nền kinh tế .
Báo cáo thẩm tra so sánh, so với các quốc gia trên thế giới, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế: đa phần làm dịch vụ, chỉ khoảng 20% là hoạt động sản xuất; có tới 42% doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng và 85% doanh nghiệp hoạt động chính thức có doanh thu dưới 2 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp tư nhân tuy tăng hàng năm, nhưng quy mô bình quân của mỗi doanh nghiệp là không lớn.