Lấy tiêu chí hiệu quả làm nòng cốt, loại bỏ cạnh tranh nội bộ, tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, PVN sẽ tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực giữa các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) thông qua cổ phần hóa, thoái vốn, mua bán sáp nhập, đầu tư mới theo cơ chế thị tường; tổ chức lại công tác điều hành SXKD, giảm đầu mối phụ thuộc, điều hành mục tiêu, tăng cường chủ động, sáng tạo trong SXKD, hỗ trợ lẫn nhau phát triển đồng bộ chuỗi giá trị dầu khí, đảm bảo phát triển bền vững; Hoàn thiện hệ thống quản trị theo chuẩn mực quốc tế.
Theo lộ trình cụ thể, đến năm 2020, PVN sẽ tiếp tục duy trì 5 lĩnh vực kinh doanh chính, bao gồm: tìm kiếm - thăm dò - khai thác, khí, chế biến dầu khí, điện và dịch vụ dầu khí. Tuy nhiên, cơ cấu này sẽ được tiếp tục thu gọn tới năm 2025 để tập trung vào 4 lĩnh vực chính là thăm dò - khai thác, khí, chế biến dầu khí, điện. Còn tới sau năm 2025, PVN sẽ chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính trong liên kết hữu cơ gồm: thăm dò - khai thác, khí và chế biến dầu khí.
Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu tại PVN và các đơn vị thành viên được chia thành 3 giai đoạn: 2017-2020; 2021-2025; giai đoạn sau năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với nhiều nội dung quan trọng.
PVN sẽ giảm phần vốn nắm giữ tại Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn xuống còn 43% |
Trong giai đoạn từ năm 2017-2020, PVN sẽ hoàn thành cổ phần hóa 3 đơn vị là Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đồng thời chuẩn bị điều kiện để cổ phần hóa Tổng công ty Thăm dò – Khai thác dầu khí (PVEP) sớm nhất có thể sau năm 2020, nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất cho phía Việt Nam; thoái vốn tại các đơn vị, lành mạnh hóa cơ cấu tài chính tại các đơn vị/dự án thua lỗ; Thực hiện tái cơ cấu, đổi mới mô hình tổ chức bộ máy quản lý điều hành Công ty Mẹ - PVN theo hướng gọn nhẹ, năng động, chuyên nghiệp và phù hợp với mô hình công ty dầu khí quốc gia tiên tiến.
Giai đoạn 2021-2025, PVN tiếp tục tái cơ cấu bằng việc cổ phần hóa, thoái vốn với mục tiêu đến năm 2025, PVN sẽ chỉ duy trì nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 3 đơn vị là PVEP, Công ty Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro; Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas).
PVN sẽ nắm dưới 50% vốn điều lệ tại 12 đơn vị như: BSR (43%), Tổng công ty Hoá chất và Phân bón Dầu khí (PVFCCo), Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí (PVCFC), PV Power và Tổng công ty Vận tải Dầu khí - PV Trans (36%); Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Tổng công ty Khoan - Dịch vụ khoan dầu khí - PVD (dưới 30%), PV OIL (35,1%)…; thoái hết vốn tại Công ty đóng tàu Dung Quất (DQS), Petro Camranh; duy trì mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh Công ty mẹ - con, trong đó Công ty Mẹ PVN (doanh nghiệp cấp I) sẽ duy trì 100% vốn Nhà nước; thành lập pháp nhân mới để quản lý vận hành các dự án đầu tư hoàn thành và sẽ thực hiện cổ phẩn hóa/thoái vốn khi đủ điểu kiện (chủ yếu là các nhà máy điện)…
Tùy thuộc vào tình hình và khả năng phát triển thị trường dầu khí trong nước, quốc tế cũng như năng lực tài chính, khả năng phát triển của PVN/các đơn vị thành viên, PVN sẽ tiếp tục đánh giá và có phương án tái cơ cấu giai đoạn sau 2025 và tầm nhìn đến 2035 với định hướng xây dựng PVN tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong thành phần kinh tế nhà nước và nền kinh tế quốc dân trong lĩnh vực năng lượng, tạo nên tảng và dẫn dắt các thành phần kinh tế khác cùng phát triển theo chuỗi giá trị dầu khí.