Mất nước sinh hoạt liên tục
Từ sáng sớm, anh Nguyên Phi (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đã phải thức dậy từ sớm để tắm rửa, giặt quần áo, sau đó sử dụng các thùng chứa, thau chứa có sẵn trong nhà để hứng đầy nước từ vòi xả trước khi đi làm. Anh Phi kể, những ngày gần đây, thành phố liên tục xảy ra tình trạng mất nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu vào tối khuya. Có hôm đi làm về tối muộn, nước sinh hoạt bị cúp, không kịp dự trữ nước nên anh Phi không thể tắm giặt được.
Tại khu vực phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, những ngày này bà Lê Thị Lan trở dậy sớm cùng hàng xóm và ngồi tụ tập bên vòi nước để canh, hứng lấy vài chậu nhỏ, sử dụng cho vệ sinh buổi sáng.
Người dân tích nước sinh hoạt vào các thùng chứa để dự trữ cho những ngày tới |
“Từ tối hôm qua đến giờ nước rất yếu, sáng sớm nay mở ra còn không có một giọt, đến gần trưa mới đỡ hơn. Cả xóm ai cũng chật vật. Giờ tôi muốn giặt đồ, phải ngồi hứng đủ nước đổ vào máy giặt, mất nguyên cả ngày cũng chưa chắc đủ”, bà Lan than thở.
Không riêng gì quận Ngũ Hành Sơn, các phường như Mân Thái, Thọ Quang, Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) hay Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu)… cũng trong cảnh “khát” nước, cuộc sống đảo lộn.
Trước tình trạng mất nước liên tục nói trên, nhiều người dân không chỉ canh me mỗi sáng sớm để hứng lấy nước sinh hoạt từ các vòi nước mà nhiều hộ dân còn bò tiền túi mua nước uống đóng bình để về… tắm rửa.
Trước tình trạng mất nước xảy ra liên tục, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã có thông báo chính thức về tình hình nhiễm mặn tại cửa thu nhà máy nước sông Cầu Đỏ.
Theo đó, từ ngày 1-9/8, nguồn nước sông cầu Đỏ thường xuyên bị nhiễm mặn, độ mặn trung bình 372mg/l; độ mặn cao nhất được ghi nhận là 2.115mg/l vào lúc 3h15 ngày 6/8. Trong khoảng thời gian từ 10-15/8, độ mặn duy trì ở mức cho phép. Nhưng từ ngày 16/8 trở đi đến ngày 19/8, độ mặn bắt đầu tăng dần và luôn duy trì ở mức cao. Đặc biệt, trong 2 ngày 18-19/8, độ mặn thường xuyên đạt ngưỡng 890mg/l; lúc cao nhất lên đến 2.666mg/l vào lúc 11h15 ngày 19/8.
Theo ông Hồ Hương, Tổng giám đốc Dawaco, với tình hình độ mặn liên tục gia tăng và duy trì trên mức 1000mg/l hiện nay thì công suất cấp nước tại các nhà máy sẽ giảm và lượng nước thiếu hụt sẽ gia tăng theo mức độ nhiễm mặn tại cửa thu của nhà máy nước sông Cầu Đỏ.
Cũng theo lãnh đạo Dawaco, do tình trạng nhiễm mặn nói trên, nguồn nước thô tại cửa thu nước nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm nặn do đó một số khu vực thuộc cuối nguồn phường Hòa Quý, Khuê Mỹ (Q. Ngũ Hành Sơn), phường An Hải Bắc, phường Mân Thái, Nại Hiên Đông, thọ Quang, Phước Mỹ… (Q.Sơn Trà), trước tình trạng nhiễm mặn nói trên, đơn vị đã khai thác tối đa công suất tại các nhà máy nước và điều tiết cấp nước trên mạng lưới cho các quận và các khu vực nước yếu, thiếu. Ngoài ra, đơn vị cũng đã có công văn gửi các sở, ngành chức năng của thành phố và các chủ hồ thủy điện đề nghị phối hợp vận hành các hồ thủy điện theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nhằm bảo đảm nguồn nước thô để cấp cho thành phố trong thời gian tới.
Tuy vậy, trên thực tế hiện nay tại khu vực thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn, mực nước nhiều hồ chứa các nhà máy thủy điện cũng đã ở mức nước rất thấp do ảnh hưởng tình trạng hạn hán kéo dài, dẫn đến việc nguồn nước sông tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn trầm trọng.
Ông Hồ Hương cho biết, theo kế hoạch cấp nước an toàn đã được UBND TP Đà Nẵng thống nhất, khi các hồ thủy điện không còn khả năng điều tiết để giảm mặn dưới hạ du, độ mặn trên 300 mg/l thì tiến hành họp khẩn Ban chỉ đạo cấp nước an toàn để đưa ra phương án xử lý. Phương án xử lý theo kịch bản số 1A4 đó là tiến hành xây dựng đập tạm ngăn mặn tại hạ lưu cửa thu nhà máy nước sông Cầu Đỏ.
“Để đảm bảo nguồn nước thô cho Đà Nẵng trong thời gian đến, Dawaco cũng đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng xem xét ban hành phương án khẩn cấp xây dựng đập tạm ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ. Thời gian thi công dự kiến 20 ngày với kinh phí thực hiện khoảng 7,5 tỉ đồng từ nguồn vốn của Dawaco”, ông Hồ Hương thông tin.
Các thủy điện sẽ tiến hành xả nước theo yêu cầu Đà Nẵng
Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng cũng có ý kiến cho rằng TP Đà Nẵng cần đề nghị Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương yêu cầu Trung tâm Điều độ điện Quốc gia huy động điện của các nhà máy thủy điện trên lưu vực Vu Gia-Thu Bồn từ nay đến hết mùa cạn (ngày 3/8/2019) và kéo dài đến ngày 15/9/2019 theo phương án do UBND tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng phối hợp đề xuất; Chỉ đạo chủ các hồ chứa thủy điện có trách nhiệm thực hiện báo cáo kế hoạch vận hành cấp nước hạ du theo thời đoạn ba ngày gửi về Sở TN&MT Quảng Nam, Đà Nẵng để phối hợp ứng phó kịp thời nếu xảy ra thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước tại các hồ chứa cạn kiệt và tình hình hạn hán, nắng nóng gay gắt kéo dài. Đồng thời, chủ các hồ chứa thủy điện có trách nhiệm tiếp nhận thông tin qua email, điện thoại từ người đại diện theo ủy quyền của UBND TP Đà Nẵng và chỉ đạo vận hành xả nước kịp thời về hạ du với lưu lượng đáp ứng nhu cầu nước dùng của TP khi nguồn nước mặt tại cửa thu nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn dẫn đến thiếu nước.
UBND thành phố Đà Nẵng có công văn yêu cầu các nhà máy thủy điện xả nước nhằm khắc phục tình trạng nhiễm mặn sông Cầu Đỏ vào trưa 21/8. |
Cũng trong sáng 21/8, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp liên quan đến tình trạng thiếu nước xảy ra liên tục trong thời gian gần đây trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.với sự tham dự của đại diện các nhà máy Thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung cùng lãnh đạo các Sở ngành liên quan.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở TN&MT TP Đà Nẵng đề nghị các nhà máy thủy điện Đakmi 4, Sông Bung và A Vương cần vận hành xả nước liên tục về hạ du theo quy trình vận hành liên hồ đã được Thủ tướng ban hành khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ trên 1.000mg/lít.
Trước đề nghị trên, đại diện nhà máy thủy điện cho biết sẵn sàng chia sẻ và sẽ thực hiện ngày việc xả nước như yêu cầu của Đà Nẵng để đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân trong những ngày sắp tới. Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan, các nhà máy thủy điện chọn thời điểm hợp lý nhất để thủy điện xả nước về và nhà máy