Tài chính - Chứng khoán
Tại sao Bất động sản An Gia muốn thay đổi phương án chào bán thêm cổ phiếu?
Lê Quân - 18/10/2021 11:49
Đại diện Bất động sản An Gia lý giải, việc điều chỉnh phương án phát hành thêm cổ phiếu là nhằm tập trung cho kế hoạch tăng trưởng ổn định, an toàn trong năm 2022.
Hai rủi ro lớn được An Gia đề cập trong thương vụ chào bán thêm hơn 91 triệu cổ phiếu là rủi ro về đợt chào bán và rủi ro pha loãng.

Ngày 14/10, HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) đã ra quyết định về việc lấy ý kiến cổ đông đối với nội dung thay đổi phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và trả cổ tức.

Quyết định này được đưa ra dựa trên tình hình thị trường bất động sản hiện nay, đồng thời có sự cân nhắc tới các hình thức huy động vốn hiệu quả khác.

Thay vào đó, An Gia sẽ đưa ra phương án phát hành mới, có điều chỉnh tỷ lệ phát hành và thực hiện quyền. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là 3/11 và việc thực hiện lấy ý kiến cổ đông sẽ diễn ra từ ngày 8-18/11.

Theo phương án cũ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép, An gia dự kiến chào bán và phát hành hơn 91 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu (bằng 1/4 giá cổ phiếu hiện hành), trong đó hơn 82,75 triệu cổ phiếu được chào bán cho cổ đông hiện hữu và 8,2 triệu cổ phiếu được phát hành để trả cổ tức. Tổng giá trị cổ phiếu dự kiến chào bán và phát hành theo mệnh giá là hơn 910 tỷ đồng.

Phía An Gia cho biết, việc phát hành tăng vốn này nhằm mục tiêu phát triển quỹ đất và bổ sung vốn triển khai các dự án do công ty thực hiện.

Theo bản cáo bạch được An Gia công bố gần đây, hai trong số những rủi ro đáng kể từ việc chào bán thêm hơn 91 triệu cổ phiếu là rủi ro về đợt chào bán và rủi ro pha loãng. Mặc dù đã có nhiều tiến triển tích cực trong việc khống chế dịch bệnh và dần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, nhưng An Gia vẫn cho rằng, xu hướng tăng trưởng ổn định của thị trường vẫn chưa được khẳng định chắc chắn khi hoạt động của các doanh nghiệp nói chung vẫn còn gặp khó khăn và điều kiện kinh tế vĩ mô vẫn cần cải thiện thêm.

Đợt chào bán thêm cổ phiếu của An Gia sẽ phụ thuộc vào diễn biến tình hình thị trường chứng khoán tại thời điểm chính thức chào bán, các yếu tố vĩ mô, tâm lý của các nhà đầu tư cũng như sự hấp dẫn của cổ phần công ty.

"Vì vậy, có thể có rủi ro không bán hết số cổ phần dự định chào bán. Trong trường hợp không bán hết số cổ phần dự định chào bán, Hội đồng quản trị sẽ chủ động tìm đối tượng khác để tiếp tục chào bán hoặc tìm kiếm nguồn vốn từ các nguồn vay khác để đảm bảo việc thực hiện kế hoạch kinh doanh đã đề ra”, đại diện An Gia nêu quan điểm.

Đối với rủi ro pha loãng, An Gia đánh giá rằng, việc phát hành một lượng lớn cổ phiếu ra thị trường cho cổ đông hiện hữu tạo ra một lượng cung lớn trên thị trường và có thể vượt quá khả năng hấp thụ của cổ đông. Đối với các cổ đông từ chối quyền mua, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu hay quyền bỏ phiếu của các cổ đông hiện hữu sẽ bị giảm xuống.

Ngoài ra, chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) cũng sẽ giảm do tổng số lượng cổ phần lưu hành tăng lên so với hiện tại và việc sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành sẽ chưa tạo ra ngay doanh thu, lợi nhuận như kỳ vọng.

Với tổng lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ dự kiến năm 2021 theo kế hoạch của An Gia là 500 tỷ đồng và số cổ phần lưu hành bình quân trong năm 2021 dự kiến nếu không phát hành, chào bán thêm cổ phiếu là 82,75 triệu cổ phần, thì khi đó EPS dự kiến năm 2021 trước đợt chào bán là 6.042 đồng/cổ phần. Nhưng sau đợt chào bán, số cổ phần lưu hành dự kiến của An Gia là 173,77 triệu cổ phần. Giả sử An Gia hoàn thành đợt phát hành, chào bán vào cuối tháng 6/2021 thì số cổ phiếu lưu hành bình quân dự kiến năm 2021 sẽ là: 128,26 triệu cổ phiếu, khi đó EPS sẽ giảm còn 3.898 đồng/cổ phần. 

An Gia không phải doanh nghiệp bất động sản đầu tiên trong năm nay có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, gia tăng quỹ đất. Nhiều doanh nghiệp khác niêm yết trên thị trường chứng khoán đã thực hiện thành công phương án này ngay nửa đầu năm. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, đại diện An Gia cho biết: "Lý do (điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn - NV) được ban lãnh đạo An Gia đưa ra là sau đợt giãn cách xã hội kéo dài cùng những tác động tiêu cực của Covid-19, thị trường bất động sản phát triển chậm lại, các vướng mắc về mặt pháp lý khiến hoạt động M&A chưa sẵn sàng. Vì vậy, nhu cầu sử dụng vốn không tăng 'nóng' như thời điểm đầu năm".

Ngoài ra, việc huy động vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu cũng không phải phương án duy nhất. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp địa ốc có thể thực hiện tăng vốn thông qua hình thức trái phiếu, vay vốn ngân hàng với mặt bằng lãi suất thấp giúp đảm bảo giá trị cổ phiếu và quyền lợi của nhà đầu tư. Quan trọng hơn, An Gia đang tập trung cho kế hoạch tăng trưởng ổn định, an toàn trong năm 2022 do kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn còn nhiều bất ổn.

Mặc dù thị trường chung bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhưng từ đầu năm đến nay, An Gia vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh, đảm bảo quá trình bàn giao, giới thiệu dự án đến khách hàng. Giữa năm nay, công ty đã thực hiện M&A một dự án 27 ha tại Bình Chánh, TP HCM, dự kiến phát triển 7.000 - 8.000 sản phẩm căn hộ và nhà thấp tầng, đưa ra thị trường vào năm tới.

Mới đây, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh ra thông báo xác nhận gần 1.100 căn hộ thuộc dự án West Gate Bình Chánh (TP.HCM) do An Gia phát triển là đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Trong quý IV/2021, An Gia dự kiến bàn giao cho khách hàng hơn 400 căn hộ thuộc dự án Sky89 (quận 7, TP.HCM). Doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch doanh thu thuần 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ khoảng 500 tỷ đồng cho năm 2021.

Tin liên quan
Tin khác