Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự một buổi lễ trao tặng bò cho đồng bào vùng biên giới do Viettel tổ chức |
Giúp cứu chữa những trái tim khuyết tật
Một ngày cuối tháng 11/2015, tại Hà Giang, Đoàn cán bộ của Viettel và đoàn bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai đến Hà Giang tổ chức khám sàng lọc bệnh tim miễn phí trong khuôn khổ Chương trình “Trái tim cho em”, một trong những chương trình can thiệp tim mạch miễn phí lớn nhất từ trước đến nay, đã hồi sinh cho hàng ngàn trẻ em nghèo trên khắp cả nước.
Chia sẻ với chúng tôi, bà mẹ trẻ Lù Thị Mến, dân tộc Nùng (thôn Nà Mạ, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh) đã bật khóc nức nở khi biết tin cả hai con Nông Tiến Dũng (8 tuổi) và Nông Thị Duyến (15 tháng tuổi) đều bị tim bẩm sinh, cần phẫu thuật ngay, chi phí dự kiến khoảng 40 triệu đồng/cháu.
Ở vùng núi cao, nhà thuộc diện hộ nghèo, đến cái ăn còn chưa đủ, nay được biết hai con bị bệnh và số tiền chữa trị lên tới gần trăm triệu đồng khiến chị vô cùng hoang mang. Chị cho biết, khi con lên 3 tuổi thì cháu đã có triệu chứng bệnh tim bẩm sinh. Đứa thứ 2 khi sinh ra được 2,4 kg, nhưng nuôi đến 15 tháng vẫn chỉ được 7 kg. Con còi cọc, suốt ngày ốm đau không lớn nổi. Hiện gia đình chị đang nợ ngân hàng 30 triệu đồng, mỗi tháng trả khoảng 200.000 đồng tiền lãi. Bản thân chị cũng bị tật ở chân không làm được việc nặng.
“Nhiều đêm nằm nghĩ đến con, tôi chảy nước mắt tủi thân vì nghèo quá, không đủ tiền đưa con đi chữa trị”, chị mếu máo nói. Nhờ được gặp chương trình “Trái tim cho em” của Viettel, hai con chị có thể được phẫu thuật miễn phí, nỗi lo của chị được giải tỏa.
Không chỉ hai con chị Mến, nhiều trẻ em nghèo ở vùng cao Hà Giang đã có cơ hội được hồi sinh từ những đợt khám sàng lọc miễn phí này.
Đó là câu chuyện của chàng thanh niên Lý Chu Yên (SN 1995) ở thôn Thanh Long, xã Thanh Vân, (huyện Quản Bạ, Hà Giang). Cậu bé được chương trình phẫu thuật miễn phí từ năm 2011.
Yên chỉ cho chúng tôi thấy hàng chục bao tải lúa chất cao trong nhà do mình vừa thu hoạch. Yên mồ côi bố từ bé, mẹ đi lấy chồng khác. Từ một cậu bé ốm yếu tưởng mất mạng sau nhiều trận ốm thập tử nhất sinh, sau khi được hỗ trợ phẫu thuật, em đã có sức khỏe tự làm nương và đi làm thuê để nuôi sống bản thân.
Thắp sáng giấc mơ tới trường cho trẻ em nghèo
Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ chênh vênh bên sườn núi, hàng ngày đều đặn vang lên tiếng ê a học vần của những đứa trẻ. Nơi đó chính là lớp học đặc biệt của “cô giáo nhí” Tráng Cà Sơ (học sinh lớp 7B - Trường THCS Y Tý, tỉnh Lào Cai). Và học trò không ai khác là bốn đứa em của Cà Sơ.
Lấy tấm cửa gỗ đã mục làm bảng, từng mẩu phấn vụn em nhặt về từ trường và cây que tháo ra từ bờ rào, chỉ từng ấy thôi, nhưng Sơ vẫn dạy được cho 4 đứa em thơ của mình biết đọc biết viết. Nhà nghèo, bố mẹ lại bận việc, Sơ không chỉ là người chị cả quán xuyến mọi việc nhà, mà còn là cô giáo được các em thơ hết lòng kính trọng và yêu mến. Nhìn năm chị em Tráng Cà Sơ yêu mến đùm bọc nhau, có lẽ nhiều người sẽ tự có cho mình định nghĩa mới về sự yêu thương.
Tráng Cà Sơ là một trong số hơn 26.000 trường hợp nhận học bổng “Vì em hiếu học” của Viettel. Phần quà ấy có lẽ chưa đủ để thay đổi cuộc đời các em, nhưng đó là sự quan tâm, là nguồn động lực để các em tiếp tục nuôi ước mơ dạy “con chữ” cho những người em của mình, và trở thành cô giáo trong tương lai.“Vì em hiếu học” đã thực sự trở thành một nghĩa cử cao đẹp mà Viettel thực hiện để tiếp sức cho hàng triệu ước mơ tới trường của trẻ em nghèo Việt Nam.
Ngoài 2 chương trình trên, Viettel còn thực hiện 2 chương trình thoát nghèo bền vững là “Trao bò giống cho người nghèo biên giới”, chương trình “Trao xi măng” kiên cố hóa nhà cửa, giúp bà con cải thiện đời sống, an cư lạc nghiệp nơi tuyến đầu tổ quốc.
Tặng chiếc cần câu cho người nghèo
Chúng tôi vẫn nhớ như in câu chuyện của anh Vừ Mí Sử ở thôn Xín Chải, xã Xín Chải (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), là một trong những hộ dân được Viettel trao tặng bò giống từ năm 2014.
Với 5 đứa con, Sử đã từng tính đến chuyện vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Thế nhưng nhờ chương trình trao tặng bò giống mà cuộc đời Sử đã đổi khác. Con bò này vừa đẻ tiếp một con bê, giúp Sử phấn khởi tinh thần hơn, anh quyết tâm đi theo con đường chăn nuôi gia súc, gia cầm để thoát nghèo.
Cạnh nhà Sử là gia đình của anh Thào Mí Ly cũng vừa được Viettel tặng một con bò. Vợ chồng Ly không có ruộng nương, chỉ có một con bò và một con lợn. Ly tâm sự, mồ côi từ bé, đời anh chưa bao giờ nghĩ mình có tài sản lên đến vài chục triệu đồng. Đến chuồng trại để nuôi bò lợn, anh cũng không có điều kiện để làm. Được trao tặng con bò, từ nay anh sẽ không phải mượn bò hàng xóm để làm nương, chưa kể bò sẽ đẻ ra bê, giúp gia đình sớm thoát nghèo.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, cũng giống như việc hỗ trợ học bổng cho các em được quy ra hiện vật và phát tận tay, với triết lý làm từ thiện theo cách “cho cần câu chứ không cho con cá”, đơn vị này trao bò giống nhằm nỗ lực giúp bà con có các công cụ để yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đồng bào tại khu vực biên giới là những người trực tiếp, tích cực bảo vệ chủ quyền đất nước, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển. Vì vậy, việc hỗ trợ giúp đỡ đồng bào biên giới xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất sẽ tạo điều kiện cho người dân bám đất, bám làng, bảo vệ vững chắc phên dậu của Tổ quốc là hết sức cần thiết. Với ý nghĩa ấy, chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” càng trở nên có ý nghĩa.
Và những nỗ lực của Viettel đang phát huy hiệu quả rất tích cực, mở ra một cơ hội thực sự để giúp nhiều người nghèo ổn định cuộc sống.