Vấn đề được yêu cầu làm rõ là câu chuyện thanh khoản và không thu thuế ở khâu nhập khẩu như ý kiến của Kiểm toán Nhà nước; sự chênh lệch về theo dõi, quản lý lượng xăng dầu tạm nhập, tái xuất. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng phải đề nghị giải pháp khắc phục, quản lý trong thời gian tới để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về thuế, phí, ngăn ngừa lợi dụng để gian lận thương mại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định.
| ||
PV Oil chưa thể tiếp tục sử dụng xăng dầu Dung Quất để tái xuất sang Lào, thay lô hàng tạm nhập trước đó |
Trước đó hồi tháng 11/2013, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thí điểm sử dụng xăng dầu mua từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để tái xuất sang thị trường Lào đúng với chủng loại, số lượng đã tạm nhập khẩu trước đó với thời gian đến hết năm 2015.
Hoạt động này đã được Chính phủ cho phép hai đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) triển khai từ tháng 6/2012 đến đến hết năm 2012.
Đến hết thời gian thực hiện thí điểm, cũng chỉ có PV Oil là tổ chức triển khai thực hiện việc tái xuất xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất sang Lào thay vì tái xuất đúng lô hàng tạm nhập khẩu trước đó. Tuy nhiên, số lượng xăng dầu tái xuất sang Lào mà PV Oil trong thời gian này cũng không lớn.
Theo báo cáo của PV Oil, trong thời gian thí điểm, tổng lượng xăng dầu mà doanh nghiệp đã tạm nhập khẩu là khoảng 24.482 tấn, trị giá 23,56 triệu USD nhưng cũng chỉ có 6.212 tấn với trị giá hơn 6 triệu USD được tái xuất sang Lào.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Phó tổng giám đốc PV Oil cho hay, việc hoán đổi nguồn hàng tạo điều kiện cho PV Oil linh hoạt trong sử dụng nguồn hàng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất để tái xuất sang Lào, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển, giúp tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm xăng dầu Việt Nam so với nguồn xăng dầu nhập khẩu từ Thái Lan.
Số liệu của PV Oil cũng cho hay, việc thực hiện tái xuất xăng dầu Dung Quất sang Lào này cũng giúp PV Oil có hiệu quả khoảng 500 triệu đồng/tháng.
Còn với Petrolimex, dù nằm trong danh sách được thí điểm nhưng cũng chưa tiến hành thực hiện việc tái xuất xăng dầu sang Lào từ nguồn hàng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dù có một công ty con đang hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại Lào. Được biết, Petrolimex nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về khu vực miền Trung Việt Nam, sau đó vận chuyển sang Lào bằng ô tô.
Tuy vậy, Petrolimex cũng có đề nghị tiếp tục được là đối tượng được kinh doanh thí điểm bởi việc cho phép dùng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất để tái xuất sang Lào, thay thế cho lô hàng tương đương về chủng loại, số lượng được tạm nhập đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cần nói thêm là việc hoán đổi xăng dầu mua từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để tái xuất thay vì tái xuất xăng dầu đã tạm nhập cũng được chính Bộ Công thương thừa nhận là chưa phù hợp với quy định tại Luật Thương mại. Bởi vậy, Kiểm toán Nhà nước, khi kiểm tra hoạt động tạm nhập tái xuất năm 2012 tại Tổng cục Hải quan cũng đã đánh giá, Thông tư 62/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính là trái với quy định tại Điều 29 Luật Thương mại và Điều 33 Luật Hải quan, dẫn tới việc thanh khoản và không thu thuế ở khâu nhập khẩu không đúng quy định, tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Nghĩa là nếu không tái xuất mà được bán, tặng, trao đổi thì phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa nhập khẩu. Hai luật này đều không cho phép được “hoán đổi” hàng hóa.
Kiểm toán Nhà nước cũng xác định, số thuế xăng dầu nhập khẩu tương ứng với số lượng xăng dầu đã tái xuất của Dung Quất tại thời điểm kiểm toán là trên 21 tỷ đồng và kiến nghị chấm dứt việc thực hiện thí điểm hoán đổi xăng dầu tạm nhập không tái xuất sang Lào mà phải mua xăng dầu của Nhà máy lọc đầu Dung Quất để tái xuất.
Thanh Hương